Ngày Quốc khánh trong mỗi chúng tôi - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Ngày Quốc khánh trong mỗi chúng tôi

  • Tin Trung học
  • 31/08/2017
ngay-quoc-khanh

Ngày Quốc khánh

          “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”… Những câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng trên quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 đã đi vào tiềm thức và trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong thời hiện đại, tuy không được chứng kiến khoảnh khắc hào hùng và thiêng liêng ấy nhưng qua báo đài, truyền hình chúng tôi cũng hình dung được, tưởng như mình đang đứng nghe Bác nói trong ngày lễ đặc biệt ấy.

Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc – về một ngày lễ Quốc khánh trọng đại mà dân ta còn gọi là ngày “Tết độc lập” – chúng tôi đã cùng nhau làm những poster về ngày 2/9/1945.

Để có được những poster đẹp mắt và ý nghĩa, chúng tôi phải phân chia công việc: tìm hiểu nội dung sự kiện, những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, vẽ, làm mô hình… Chúng tôi đã cùng nhau tranh thủ làm sau mỗi giờ nghỉ trưa, sau mỗi ngày tan học. Mỗi poster là một màu sắc, một ý tưởng và một cách thể hiện khác nhau nhưng tôi biết các bạn đã thể hiện hết sự say mê, tài năng và công sức của mình.

Sau khi nộp sản phẩm, chúng tôi tập trung dưới sảnh tòa nhà H để thuyết trình. Chúng tôi được nghe nhiều hơn những câu chuyện xoay quanh ngày Quốc khánh 2/9/1945, từ quá trình Bác soạn thảo Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 Hàng Ngang, bộ áo kaki Bác mặc đến những giây phút nghẹn lòng của đồng bào khi nghe Bác nói… Ngày 2/9 tôi đã biết từ lâu, nhưng đến hôm nay tôi mới biết rằng bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ Bác soạn thảo chỉ  trong 2 đêm ngày 28 và 29 tháng 8. Tiếng máy chữ Bác gõ lạch cạch trong đêm – ấy chính là lúc bác viết Tuyên ngôn độc lập. Bộ quần áo kaki Bác mặc khi đứng trước đồng bào chỉ được may trước đó mấy ngày bởi Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Vào khoảng những ngày 26, 27 tháng 8, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ Tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá. Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…”. Khi xem đến công tác chuẩn bị quảng trường, Bác quan tâm đến cả khu vệ sinh cho đồng bào đến dự, Bác dặn: “Nếu như hôm đó mưa, sẽ kết thúc sớm để các cụ, các cháu không bị ốm, giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào”. Khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập đến đoạn: “Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, đồng bào ta chết đói hơn 2 triệu người…” thì cả Quảng trường im lặng, Bác tưởng mình nói giọng xứ Nghệ đồng bào không nghe rõ, nên dừng lại và hỏi “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”. Bác vừa dứt lời thì thấy tiếng đáp lại: “Có… có… có…” rung động cả Quảng trường. Tình cảm của vị Chủ tịch hoà với đồng bào cả nước.

Thời gian rồi sẽ qua ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 nhưng những cảm xúc và ấn tượng trong mỗi học sinh chúng tôi thì còn mãi. Chúng tôi thêm yêu và tự hào về Bác, về đất nước mình và chúng tôi cũng ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc – nơi có biết bao thế hệ đã hy sinh để đổi lấy độc lập, hòa bình.

Học sinh Phạm Hoàng Yến – đội tuyển Sử lớp 12A2

Xem thêm thông tin: tại đây