Dự án xã hội - Thơ Haiku - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Dự án xã hội – Thơ Haiku

  • Tin Trung học
  • 01/10/2021

Thơ Haiku vốn là thể thơ dân tộc của Nhật Bản. Bắt đầu từ thế kỉ XVI và đạt đến đỉnh cao ở thời Edo (thế kỉ XVII), thơ Haiku đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia để đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, có khoảng 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 2 triệu người sáng tác thơ Haiku. Thơ Haiku cũng được đưa vào chương trình phổ thông của nhiều quốc gia. Tại Mỹ, học sinh không chỉ được học mà còn được khuyến khích sáng tác thơ Haiku như một cách để tăng cường sự kết nối giữa con người cá nhân và thiên nhiên, phát triển toàn diện nhân cách, có được sự bình yên trong tâm hồn. 

Tại sao thơ Haiku lại làm được những điều phi thường đến như thế? Học sinh Hanoi Academy đã tiếp nhận thể thơ này như thế nào? Cùng đón đọc trong bài viết dưới đây nhé!

Thơ Haiku là gì?

Haiku khởi phát vốn là ba câu thơ phát cú (hokku) của bài liên ca (renga) mang tính trào phúng gọi là renga no haikai (theo tạp chí Tao đàn). Sắc thái trào phúng của thể thơ Haiku đã dần biến mất khi vào thế kỉ XVII, nhà thơ Basho đã biến thành một thể thơ trữ tình, đậm chất thiền. Thơ Haiku có số lượng âm tiết tối giản, với vỏn vẹn gồm 17 âm tiết được tổ chức thành 3 dòng với số lượng âm tiết mỗi dòng lần lượt là 5 – 7 – 5. Đây được coi là thể thơ ngắn nhất thế giới và đậm chất thiền.

Chất thiền của thơ Haiku được kiến tạo bởi nhiều yếu tố, trong đó có số lượng âm tiết, đề tài và thủ pháp nghệ thuật. Với số lượng âm tiết ít ỏi, thơ Haiku lại có tính biểu trưng cao, cô đọng, hàm súc. Nhưng ngay trong tính hạn hẹp ở số lượng từ ngữ, thơ Haiku đã đạt đến cảnh giới thiền: Sắc – Không. 

Trên cành khô

chim quạ đậu

chiều thu

(Basho)

Một bài thơ đơn sơ cực độ, “chụp lại” một khoảnh khắc ngắn ngủi, số lượng âm tiết chỉ vẻn vẹn 8 tiếng nhưng lại mở không gian trong tâm thức ra đến vô cùng. Hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mênh mang của Basho đã cuốn hút ta vào thế giới của u huyền, cô tịch, ném ta vào trầm mặc hư vô. 

Cảm thức thẩm mĩ trong thơ Haiku thường đề cao cái  Sabi (vắng lặng), Wabi (đơn sơ), Yugen (u huyền), Shiori (mềm mại). Đọc một bài thơ Haiku, ta nghe như tiếng một giọt nước nhỏ rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng, như nghe tiếng sóng gợn lao xao, như nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong tâm thức, khiến tâm hồn thư thái, bình lặng. Thơ Haiku thường viết về những sự vật  như con kiến, chiếc lá, con quạ, cành khô, con ếch,… – những sự vật nhỏ nhoi nhất, tầm thường nhất. Haiku đi cùng cuộc đời bình thường nhưng không hề tầm thường. Trong cái tĩnh lặng không lời, con người ta lắng nghe thanh âm cất lên từ tận sâu thẳm tâm hồn, không chỉ kết nối với tâm hồn chính mình, đạt được sự hài hòa giữa Thân – Tâm – Trí mà còn kết nối với cuộc sống, biết trân quý những cái nhỏ nhoi của cuộc sống nhiệm màu. 

Có lẽ chính vì thế mà thơ Haiku được nhiều quốc gia ưa chuộng. Từ một thể thơ dân tộc của Nhật Bản, Haiku đã du nhập vào nền văn hóa của 50 quốc gia, được nhiều quốc gia đưa vào giảng dạy và khuyến khích sáng tác.

Học sinh Hanoi Academy và thơ Haiku

Hanoi Academy luôn hướng học sinh đến sự phát triển toàn diện, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới trên cơ sở bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc, đã có thời kì Phật giáo đạt đến đỉnh cao, được coi là quốc giáo, giữ vị trí độc tôn. Cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn là một trong những tôn giáo được người Việt coi trọng bởi sự phù hợp với văn hóa và bản tính hướng thiện, lối sống gần gũi chan hòa với thiên nhiên của người Việt. Phật giáo, thơ Haiku, người Việt cứ thế mà tự hòa hợp, cân bằng, tương giao. 

Trong chương trình học, Bộ Giáo dục cũng đưa thơ Haiku vào giảng dạy và tìm hiểu nhưng thường bị bỏ qua, coi nhẹ, vì thế nhiều học trò đi qua chương trình phổ thông mà không được tìm hiểu cái hay, cái đẹp của thể thơ này. Đây là điều rất đáng tiếc. Ý thức được điều đó, tại Hanoi Academy, các thầy cô đã triển khai Dự án thơ Haiku dành cho học sinh khối 11. Qua dự án, các con học sinh không chỉ được tìm hiểu về đặc trưng thẩm mĩ của thơ Haiku mà còn được thực hành sáng tác thơ Haiku. Không dừng lại ở đó, các con còn được hướng dẫn thiết kế, minh họa cho bài thơ do chính mình sáng tác. Với dự án này, các con vừa được tiếp thu những kiến thức mới mẻ, được phát triển thẩm mĩ thông qua việc đánh giá cái đẹp trong một sản phẩm dự án của bạn, đồng thời được góp ý để hoàn thiện tư duy thiết kế dựa trên sự hài hòa về màu sắc, bố cục.

Bài thơ ghi lại một khoảnh khắc đầy tiếc nuối: 

Đêm đang say giấc

mưa xuống

cuốn giấc mộng đi

(Thủy Tiên, 11Eagle)

Hay một nỗi đau không thể nói thành lời: 

Những giấc mơ không lớn

tôi nhớ em

đau đớn

(Vân Sa, 11Eagle)

Rất nhiều bài thơ, nhiều khoảnh khắc đã được các con cảm nhận và minh họa bằng những thiết kế mang tính thẩm mĩ cao.

[ux_gallery ids=”32063,32064,32065,32066″ col_spacing=”xsmall” image_height=”170px” image_radius=”10″]

[ux_gallery ids=”32068,32069,32071″ col_spacing=”xsmall” columns=”3″ image_height=”225px” image_radius=”30″ image_hover=”fade-out”]

[ux_gallery ids=”32070,32073,32067,32072″ col_spacing=”xsmall” image_height=”170px” image_radius=”10″]

Hy vọng thơ Haiku tiếp tục đồng hành cùng các con trên chặng đường sau này!

Hà Nội, 22/09/2021

(Nguyễn Bích Nguyệt, Giáo viên Ngữ văn,  Hanoi Academy)