Phương pháp kỉ luật tích cực : Hiểu con, hiểu mình - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Phương pháp kỉ luật tích cực : Hiểu con, hiểu mình

  • Tin giáo dục
  • 26/03/2019

Trong không khí se lạnh, những hạt mưa bay lất phất đặc trưng cho thời tiết miền Bắc mỗi dịp cuối xuân, những ngày cuối tháng ba trường Hanoi Academy hân hạnh được đón tiếp quý phụ huynh đến tham dự hội thảo phương pháp kỷ luật tích cực do PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo đến từ viện Tâm lý học Việt Nam làm diễn giả.

Tại hội thảo, diễn giả và quý phụ huynh đã được trao đổi, phân tích những vấn đề xoay quanh con trẻ như: một số đặc trưng tâm lí lứa tuổi, logic của con trẻ và những tác động tích cực từ phía cha mẹ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ.

"Phương pháp kỉ luật tích cực": Hiểu con, hiểu mình

” Phương pháp kỉ luật tích cực “: Hiểu con, hiểu mình

Những phút đầu tiên tại hội thảo, các cha mẹ vẫn còn hơi e ngại, rụt rè. Nhưng dưới sự dẫn dắt tự nhiên của diễn giả Nguyễn Văn Hảo, hơn 30 phụ huynh của trường Hanoi Academy có con học tại trường từ mầm non đến cấp ba khởi động với câu hỏi: “Nuôi dạy trẻ ngày nay dễ hay khó?” và trở nên gần gũi, cởi mở hơn. Chúng tôi thẳng thắn chia sẻ khúc mắc trong việc nuôi dạy trẻ, những khó khăn, thuận lợi khi nuôi dưỡng những đứa trẻ trong xã hội hiện đại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay. Lấy trẻ làm trung tâm, các cha mẹ và trường Hanoi Academy thấu hiểu phương châm: hiểu trẻ – hiểu mình, không chỉ hiểu những lo lắng, băn khoăn của con trẻ từng độ tuổi mà còn phải hiểu mình, hiểu điều gì làm mình lo lắng, tức giận từ đó có các giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề và giáo dục con trẻ.

Tại hội thảo, các cha mẹ được tìm hiểu nền tảng của kỉ luật tích cực gồm hai yếu tố cơ bản: “tạo sự ấm áp” (make the warmly relationship with children) và “cấu trúc” (structure). Diễn giả tóm lược vấn đề bằng cụm từ ngắn gọn, dễ hiểu: “tạo sự ấm áp” là khiến trẻ cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, thấy mình có giá trị, hiểu và chia sẻ cảm xúc với trẻ; “cấu trúc” đề cập đến cách thức giáo dục trẻ đó là: có những chỉ dẫn rõ ràng cho hành vi con trẻ nên làm/không nên làm, giải thích rõ lí do đi kèm, hỗ trợ để giúp trẻ thành công, khuyến khích các ý tưởng của trẻ. Người lớn không nên sử dụng “quyền lực” cứng nhắc mà cần có sự mềm mại trong ứng xử với con trẻ, chia sẻ, hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề về hành vi mà con mắc phải, cùng trẻ sửa đổi. Diễn giả khái quát, trong kỉ luật tích cực, 90% là hướng dẫn (instruction), 10% là điều chỉnh (correction). Tóm lại, “tạo sự ấm áp” là cho trẻ cảm giác an toàn, “cấu trúc” chính là thông tin về những biện pháp kỉ luật để trẻ hiểu kỉ luật không phải để trừng phạt mà để giúp con tiến bộ. Không những vậy, các cha mẹ còn được tìm hiểu nguyên tắc “3R1A” trong kỉ luật tích cực, trong đó 3R bao gồm: Relation (tính liên quan), Respectful (tôn trọng), Reasonable (tính hợp lí) và 1A – Agreement (thỏa thuận). Đây được coi là con đường đi đến thành công của kỉ luật tích cực.

Cũng tại hội thảo, các cha mẹ học sinh được thực hành cách chế ngự cơn giận bằng cách ghi lại một số tình huống bản thân từng trải nghiệm cơn giận đối với con cái chẳng hạn như: con lề mề chậm chạp, con mất quá nhiều thời gian cho việc chọn áo dài,… Qua đó, chúng ta hiểu sự giận dữ hoàn toàn có thể điều chỉnh được thông qua việc “đặt mình vào con trẻ”, từ đó cũng đi đến giải pháp tối ưu cho cả hai phía cha mẹ và con cái.

Rất nhiều kiến thức bổ ích được truyền tải từ phía diễn giải Nguyễn Văn Hảo dưới sự dẫn dắt tự nhiên pha lẫn sự hài hước, trên hết là sự thấu hiểu không chỉ tâm lí lứa tuổi con trẻ mà còn thấu hiểu cả cha mẹ của chúng với tư cách một người dẫn đường am hiểu. Chúng tôi xin dẫn ý kiến của chị Ngọc Linh (mẹ của bạn Nghiêm Phạm Phúc Anh lớp 6Eagle, trường Hanoi Academy) tham gia với tư cách khách mời tại hội thảo: “Qua hội thảo, chị thấy được trang bị thêm kiến thức để tránh việc suy nghĩ, hành động theo cách chủ quan, nghĩ gì làm đấy của các bố mẹ. Chị rất thích có thêm những buổi như thế này để trao đổi. Nhà trường cũng rất chu đáo trong việc tiếp đón các phụ huynh, chuẩn bị sẵn đồ uống và đồ ăn nhẹ trong lúc giải lao. Chị cảm thấy rất vui vì đã tới dự hội thảo”.

Đây là tín hiệu đáng mừng bởi chúng tôi luôn tâm niệm, giáo dục không thể từ một phía mà cần có sự phối hợp tích cực từ gia đình và nhà trường trên nền tảng kiến thức khoa học và tình yêu đối với con trẻ.Với  phương pháp kỉ luật tích cực : Hiểu con, hiểu mình chúng tôi rất hi vọng được đón tiếp quý phụ huynh tham dự những hội thảo tương tự tại trường trong thời gian tới!

Nguyễn Bích NguyệtGiáo viên Trung học

Xem thêm thông tin: tại đây