Ký ức hoa lửa - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Ký ức hoa lửa

  • Tin giáo dục
  • 17/03/2017

Các con học sinh yêu quý!

Chiến tranh đã cách thế hệ trẻ chúng ta hơn bốn mươi năm. Cũng chưa phải là xa nhưng cuộc sống hiện đại cũng đủ để các con chỉ có thể lờ mờ cảm nhận được về Ký ức hoa lửa qua những câu chuyện kể của ông bà, qua những tác phẩm văn học hay những bài học lịch sử. Cô trò mình thật may mắn khi được sống trong thời bình được biết đến thế nào là vô tuyến với những bộ phim bom tấn, biết đến những chiếc bánh Pizza hấp dẫn, được cười nở căng lồng ngực,…và cũng thật may mắn khi được chính những người lính năm xưa xông pha trận mạc nay trở về bảo vệ cho chính ngôi trường thân yêu, đồng hành bên cạnh những giờ học của cô và trò mình. Có lẽ không nhiều bạn biết về bác Hồng- một người bảo vệ- người gác cổng của trường luôn tận tâm với nhiệm vụ, hết lòng vì học sinh. Cô nghĩ rằng, không có tác phẩm văn học nào, bài lịch sử nào mà các cô truyền đạt lại giá trị bằng những câu chuyện mà bác chia sẻ. Hãy lắng nghe và trân trọng những gì mà mình đang có với những Ký ức hoa lửa

Chào bác, cháu được biết bác từng là tham mưu trưởng cấp sư đoàn phó của một đơn vị bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, bác có thể chia sẻ một số thông tin về mình cho các bạn học sinh trong trường được biết?

Chào cháu! Không phải đương nhiên bác là một tham mưu trưởng cấp Sư đoàn bộ binh chiến đấu. Cách đây 42 năm, bác là một chiến sĩ binh nhất, binh nhì và phải trải qua rèn luyện chiến đấu, học tập trên thao trường và trong các trường sĩ quan, học viện; tu dưỡng đạo đức đầy gian khổ trong quân đội, qua từng cấp bậc, chức vụ, từ cấp trợ lý tham mưu tiểu đoàn, trung đoàn, rồi lên sư đoàn.

Tại sao sau khi từ chiến trường trở về bác lại chọn vị trí là một nhân viên bảo vệ cho một ngôi trường ạ?

Bác là một sĩ quan quân đội đã từng chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập tự do, bình yên cho nước nhà trong đó có các cháu học sinh thân yêu đang hồn nhiên học tập trong các mái trường trên mọi nẻo đường của đất nước. Nay bác trở về đời thường làm bảo vệ ở trường học để được gần gũi với các cháu học sinh, được chia sẻ, vui vầy trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời và để bảo vệ an ninh, trật tự trong trường giúp các thầy cô yên tâm giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đó cũng là niềm vui không hề nhỏ của bác!

Bác hãy chia sẻ cho các con học sinh trong trường được nghe những kỷ niệm của bác trong thời kỳ mặc áo lính? Kỷ niệm Ký ức hoa lửa nào khiến bác nhớ nhất?

 

Bác nhớ một kỉ niệm- Ký ức hoa lửa mà cả cuộc đời mặc áo lính của bác không thể nào quên được. Đó là ngày 26/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Sư đoàn 3 Sao Vàng của bác là một sư đoàn cơ động chủ lực đầu tiên của Quân khu 5 tham gia tiến đánh. Bác giới thiệu thêm một chút về Sư đoàn 3 của bác, là một  sư đoàn đầu tiên của Quân khu 5 ra đời ngày 2/9/1965 trên mảnh đất truyền thống Tây Sơn, Bình Định. Sư đoàn 3 được lệnh giải phóng Vũng Tàu theo lệnh của Quân đoàn 2. Nhiệm vụ của các bác là tăng cường một đại đội xe tăng, một đại đội pháo binh 130 li trong đội hình phía Đông đánh vào Sài Gòn và đánh vào phía trái của đội hình hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn tiêu diệt địch giải phóng thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu và giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Tuy. Ngày 23/4/1975 sư đoàn rời Phan Rang vào tập kết tại rừng cao su Cẩm Mĩ- Phước Tuy cùng kết hợp với tỉnh đội, tỉnh ủy tạo thế bao vây cô lập Sài Gòn, chặn đường rút chạy của quân địch ra biển. Lúc 16 giờ ngày 26/4/1975 sư đoàn triển khai đội hình chiến đấu chờ lệnh. Trung đoàn 141 của bác được tăng cường một đại đội xe tăng và tiểu đoàn bộ binh cắt rừng đánh thẳng vào thị xã Bà Rịa Vũng Tàu, trung tâm huyện Vạn Kiếp; sau đó phát triển dọc lộ 15 đánh vào cầu Cỏ May. Trong đêm cắt rừng tiếp cận mục tiêu, pháo sáng của địch thỉnh thoảng bắn lên và pháo địch bắn từng đợt, bác cùng đồng đội vừa chạy vừa nằm để tránh đạn pháo rồi lại tiếp cận mục tiêu. Khi đến nơi, bác cùng đồng đội đào hầm ngoài cánh đồng cách mục tiêu của địch rất gần khoảng 500m và bí mật chờ lệnh. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975 pháo binh các hướng nổ rền mở đầu cho chiến dịch, hàng trăm đạn pháo, đạn cối, hỏa tiễn dồn dập nã vào dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát khu Viễn thông, trung tâm huyện Vạn Kiếp, chi khu quân sự Long Điền, Đất Đỏ. 11h đêm cùng ngày, lực lượng an ninh, biệt động thị xã dọn đường cho đơn vị bác tiến vào đánh chiếm. Khi vào tới hang ổ, bác đã tiêu diệt một tên đại úy địch. Các đồng đội của bác chiến đấu hết sức ác liệt trong khi đó đại liên của địch ở các bốt bắn ra xối xả. Rất nhiều đồng đội của bác đã hy sinh và bị thương. Chiến đấu liên tục cho tới 4 giờ chiều ngày 27/4/1975 tiếng súng mới ngừng nổ cũng là lúc bác bị thương gục xuống. Khi bị thương, bác nằm gục xuống, máu chảy ra lênh láng từ cổ. Lúc ấy, người đầu tiên bác nhớ đến là Mẹ. Bác đã gọi thầm mẹ “Mẹ ơi, con chết rồi”. Một lúc sau bác được đồng đội phía sau lao tới yểm trợ. Không hiểu sao lúc ấy, bác bật được dậy và tiếp tục lao lên nhưng đồng đội đã đẩy bác vào căn phòng băng bó vết thương. Trong căn phòng bác thấy có 5 đồng chí bị thương. Toàn bộ Bà Rịa- Vũng Tàu và Phước Tuy được hoàn toàn giải phóng. Ngày 24/4/1975 đơn vị bác tiến về Vũng Tàu và bác được đưa vào bệnh viện dã chiến Trung đoàn. Sau chiến công này, bác được nhà nước trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba và phong quân hàm Chuẩn úy chức vụ B trưởng.

 

Theo bác, sự khác biệt lớn nhất nào giữa thế hệ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ với thế hệ thời kỳ hòa bình ạ?

Thời chiến tranh, thanh niên miền Bắc lao động sản xuất và liên tiếp bị máy bay đánh phá ác liệt, miền Nam bị địch bắt bớ tàn sát đẫm máu dã man; học sinh phải đi sơ tán về vùng nông thôn để học tập. Khắp đất nước ở đâu cũng có hầm, giao thông hào sẵn sàng chiến đấu với địch. Đâu đâu cũng thấy dân ăn đói, mặc rét, cơm trộn ngô xay, sắn khô, mì sợi, văn hóa thì thấp. Thế hệ các cháu bây giờ sống trong hòa bình ăn mặc xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi, thiết bị công nghệ cao, thông tin cập nhật hàng ngày. Các bác nhìn thấy vậy thấy thật mừng và trộm nghĩ sự hy sinh của mình, đồng đội mình thật đáng giá.

Hàng ngày, quan sát các cháu học sinh trong trường, bác cảm nhận điều gì về các bạn nhỏ của trường ạ?

Các cháu học sinh trong trường rất ngoan sống hồn nhiên và đoàn kết; tham gia vui chơi bóng đá, bóng rổ rất nhiệt tình; sôi động, ăn mặc đẹp và gọn gàng; ham học và rất lễ phép không hề phân biệt với nhau, rất yêu quý các bạn học sinh nước ngoài. Tuy nhiên, bác vẫn nhắc nhở các cháu ở nhà nghe theo lời cha mẹ, đến lớp nghe theo lời thầy cô, chăm ngoan học giỏi. Thế hệ trẻ như các cháu học sinh trong trường cần biết phát huy truyền thống cha anh, nâng cao khí phách của con người Việt Nam đồng thời không sợ gian khổ, chịu khó trong học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức khoa học bắt nhịp với đất nước trong thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa, để sau này các cháu học tập ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mọi người đều ngưỡng mộ vì các cháu là người Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của bác Hồng về Ký ức hoa lửa!  Chúc bác luôn giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đồng hành với các bạn học sinh nhỏ tuổi của trường, vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước.

                                                            Cô Lê Thị Hương – Giáo viên THCS

Xem thêm thông tin: tại đây 

Tin nổi bật

Liên hệ với chúng tôi

Tìm ngay icon+right