Đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp

  • Tin giáo dục
  • 13/09/2019

Chương trình ngữ văn bậc phổ thông chia thành ba phân môn: Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Các thầy cô dạy Văn có thể thỏa sức bay bổng với cái đẹp về mặt ngôn từ trong tiết tìm hiểu về văn bản văn học hoặc tổ chức trò chơi đầy thú vị trong những tiết tiếng Việt. Tuy nhiên đối với những tiết Tập làm văn – phân môn khô khan và đầy kiến thức lí luận, cô và trò Hanoi Academy sẽ làm thế nào? Chúng ta cùng khám phá qua bài viết dưới đây về phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp nhé!

            Ở Hanoi Academy, các đơn vị kiến thức cùng một phân môn sẽ được sắp xếp thành các chuyên đề. Việc hệ thống các bài học theo chuyên đề sẽ giúp các con vừa nắm được cái nhìn chi tiết, cụ thể qua từng bài học, vừa nắm được cái nhìn tổng quan, hệ thống. Trong mỗi tiết học, các hoạt động học tập sẽ được tổ chức nhằm giúp các con có thể tự rút ra kết luận về bài học, biến kiến thức sách vở thành kiến thức của chính mình. Tiết học “Bố cục trong văn bản” cũng được tổ chức theo hướng như thế.

            Tiết học cần đảm bảo ba mục tiêu: Thứ nhất, các con cần hiểu khái niệm “bố cục” và “bố cục trong văn bản”; thứ hai, các con cần xác định được những yêu cầu về bố cục và các phần của bố cục; thứ ba, các con cần xây dựng được đoạn văn đảm bảo tính bố cục của văn bản.

            Để đạt được mục tiêu kiến thức, sách giáo khoa hướng dẫn các con như sau:

  1. Em muốn viết một lá đơn để xin gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. hãy cho biết: Những nội dung trong đơn ấy có cần được sắp xếp theo một trật tự không? Có thể tùy thích muốn ghi nội dung nào trước cũng được hay không? (Ví dụ: Có nên viết lí do khiến em muốn xin vào đội trước, rồi mới khai rõ họ tên em là gì, sống và học ở đâu không? Hoặc có nên đưa ra lời hứa sẽ tiếp tục phấn đấu sau khi được kết nạp vào Đội trước rồi mới nêu lí do xin vào Đội hay không? Vì sao?).
  2. Sự sắp đặt nội dung các phần trong văn bản theo trình tự hợp lí gọi là bố cục. Em hãy cho biết: Vì sao khi xây dựng văn bản, cần phải quan tâm tới bố cục?

(Sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1, trang 28)

Nội dung hướng dẫn của Sách giáo khoa trên đây không thay đổi trong nhiều năm liền, trong hướng dẫn có quá nhiều câu hỏi đóng, không kích thích tư duy và dễ gây nhàm chán đối với học sinh có nền tảng kiến thức tốt và năng động. Để đạt được mục tiêu học tập như trên, tiến trình bài học của các con học sinh Hanoi Academy đã được thay đổi, thay vì trả lời hàng loạt những câu hỏi đóng để đi đến khái niệm “bố cục” và “bố cục trong văn bản” cũng như sự cần thiết của bố cục, các con đã trải nghiệm hoạt động nhóm: Tạo bức tranh “Mùa thu” với vật liệu được cho sẵn để giải quyết vấn đề.

Lớp được chia thành 4 nhóm, nhận được những vật liệu giống nhau: hoa tươi, lá khô, cành khô. Trong thời gian 10 phút, các con cần hoàn thành bức tranh mùa thu. Các con lớp 7Eagle rất hăng hái, tích cực thực hiện nhiệm vụ.

Đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp

Đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp

Nhóm của Ngọc Linh, Ngọc Nhi, Xuân Bách, Bảo Ngọc, Châu Anh đã hoàn thành sản phẩm đầu tiên.

Hết 10 phút, lần lượt các nhóm đều đã hoàn thành sản phẩm.

Sản phẩm được trưng bày trên bảng với câu hỏi: “Với những vật liệu trên, các con đã làm gì để hoàn thiện bức tranh về mùa thu?”

Minh Anh, Ngọc Linh đưa ra nhận xét: Cần phải sắp đặt các vật liệu theo ý tưởng của nhóm.

Cô giáo chốt kiến thức: “Cách sắp đặt, sắp xếp những vật liệu đó gọi là bố cục”, tiếp tục đặt câu hỏi: “Thế nào là bố cục trong văn bản?”. Học sinh vẫn còn lúng túng, cô tiếp tục đặt câu hỏi: “Vật liệu để tạo bức tranh mùa thu của các con là lá cây, cỏ, khô, đã được các con sắp đặt tạo nên bức tranh. Vậy chất liệu của văn bản là gì?”. Các con phát hiện chất liệu của văn bản là “ngôn từ”, “từ”, “câu”, “đoạn văn”. Học sinh tổng hợp kiến thức: “Cách sắp xếp, sắp đặt câu, đoạn văn, ý trong văn bản gọi là bố cục trong văn bản”. Đi đến đây, các con hoàn thành mục tiêu thứ nhất khá nhẹ nhàng mặc dù đây là mục tiêu khá khó vì liên quan đến khái niệm trừu tượng.

Khi đã tự rút ra được khái niệm về “bố cục trong văn bản”, các con đã hình thành được kiến thức lí luận về bài học. Đây là cơ sở để các con tìm hiểu đơn vị kiến thức “Những yêu cầu về bố cục” và “Những phần của bố cục”. Hai mục tiêu này được các con tìm hiểu rất nhanh dựa trên cơ sở phân tích ngữ liệu và tự rút ra kết luận trên nền tảng kiến thức vừa mới hình thành. Tiến trình tiết học diễn ra theo nguyên tắc: Học sinh hoạt động/trải nghiệm – Học sinh nhận xét, rút kết luận – Giáo viên nhận xét, chốt kiến thức.

Đây là một trong những giờ học – dạy Văn theo hướng tích hợp, nhằm tăng cường sự tích cực, chủ động của học sinh và phát triển năng lực học tập bộ môn cũng như việc ứng dụng hiệu quả kiến thức của bộ môn Văn vào thực tiễn cuộc sống. Hi vọng với Đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học tập làm văn theo hướng tích hợp như vậy, mỗi giờ học Văn của các con không còn là những giờ học nhàm chán, nặng kiến thức lí thuyết mà trở thành những giờ học thú vị. 

Nguyễn Bích Nguyệt – Giáo viên Văn Trung học Cơ sở

Xem thêm thông tin: tại đây