Giúp con vững vàng trước "áp lực đồng trang lứa" - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Giúp con vững vàng trước “áp lực đồng trang lứa”

  • Cẩm nang Phụ huynh
  • 28/08/2023

Một mùa tựu trường nữa lại đến mang theo biết bao niềm tin và hy vọng về một thế hệ măng non của đất nước. Năm học mới là thời điểm đánh dấu bước khởi đầu trên hành trình mở cơ hội – mở trí tuệ – mở tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian các em học sinh bắt đầu phải đối mặt với những áp lực vô hình.

Áp lực đến từ sự so sánh

Trong văn hóa gia đình hiện đại, “con nhà người ta” đã trở thành tư tưởng của quá khứ. Ở trường, học sinh được dạy rằng “mỗi chúng ta đều là một vì tinh tú trên bầu trời của nhân loại”. Mặc dù vậy, áp lực từ sự so sánh vẫn hiện hữu rõ nét trong tâm trí thế hệ trẻ. 

Nhìn chung, so sánh là thuật ngữ phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù được sử dụng với bất cứ mục đích nào, hoạt động so sánh chỉ có kết quả khi các đối tượng được đặt vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí để thấy được sự giống và khác nhau. Với ý nghĩa đó, áp lực đồng trang lứa xảy ra khi trẻ em bắt đầu so sánh bản thân với bạn bè – những người cùng độ tuổi, ở cùng một môi trường, cùng hướng đến một mục tiêu chung. 

Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều yếu tố góp phần gia tăng áp lực đối với các em học sinh. Thế hệ công dân toàn cầu tương lai đang đứng trước những yêu cầu cao hơn về kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng cạnh tranh trên đấu trường thế giới. Trong xu thế đó, một tấm gương học sinh tiêu biểu phải là người vừa học tập tốt, vừa tham gia năng nổ các hoạt động xã hội, vừa đạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và Quốc tế,…. Chính những “tiêu chuẩn” của thời đại này đã và đang khiến các em học sinh cảm thấy áp lực hơn khi so sánh với các bạn đồng trang lứa.

Những “tiêu chuẩn” của thời đại khiến các em dễ gặp áp lực đồng trang lứa

Nếu như trước đây, áp lực đồng trang lứa của học sinh chỉ đến từ bạn cùng lớp hay những người họ hàng xung quanh, thì hiện nay, áp lực đó còn có thể xuất phát từ “người lạ” mà các em chưa từng gặp mặt. Trên mạng xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều Tiktoker, Youtuber,.. nổi tiếng và thành công từ khi còn rất nhỏ. Cùng với đó là sự nổi lên của phong trào “flexing” – nơi các bạn trẻ bật mí những khả năng đặc biệt và thành tích đáng ngưỡng mộ. Đây là những xu hướng có khả năng khích lệ thế hệ trẻ, giúp các em có thêm niềm tin và động lực để chinh phục ước mơ. Mặt khác, các nội dung này có thể đem đến cảm giác tủi thân, nản chí khi các em “nhìn đâu cũng thấy người giỏi hơn mình”.

Theo báo cáo về “Tình hình trẻ em thế giới 2021” của UNICEF, có khoảng 80 triệu trẻ em từ 10 – 14 tuổi và 86 triệu thanh thiếu niên từ 15 – 19 tuổi đang sống chung với các vấn đề tâm lý, trong đó có áp lực đồng trang lứa. Học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương. Các em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để tự mình vượt qua những áp lực tinh thần. Do vậy, khi đối mặt với áp lực đồng trang lứa, các em dễ trở nên nhút nhát, mệt mỏi, tự ti và không dám thể hiện bản thân. 

Đôi khi, áp lực từ sự so sánh để lại cho thế hệ trẻ những vết thương tinh thần khó để chữa lành. Nhưng xét về mặt tích cực, việc tiếp xúc, nhìn nhận những tấm gương tốt giúp các em có thêm động lực để chăm chỉ học tập, rèn luyện, trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Hiểu được điều này, phương pháp để giúp con vững vàng trước áp lực đồng trang lứa trở thành điều được nhiều bậc phụ huynh tìm kiếm. Hơn ai hết, cha mẹ nào cũng mong muốn giúp con có sức khỏe tinh thần ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp thu tri thức và phát triển toàn diện.

Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất

Không phải học sinh nào cũng trải qua áp lực đồng trang lứa. Mặc dù vậy, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị sẵn sàng để đồng hành và sát cánh cùng con trên hành trình phát triển tâm lý lứa tuổi. Trong đó, giúp con hiểu về giá trị bản thân, đặt ra mục tiêu phù hợp, và dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ chính là những “chìa khóa” giúp cha mẹ phòng chống và xua tan áp lực cho cho con. 

Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt với năng khiếu và khả năng nhận thức, tư duy, sáng tạo khác nhau. Do đó, không có một tiêu chuẩn nào là chính xác khi đặt ra để so sánh về con người. Ai cũng có cho mình những điểm mạnh và giá trị riêng, đó là lý do mà chúng ta luôn làm việc trong tập thể. Ý nghĩa của tập thể là mọi người đều hỗ trợ lẫn nhau, dùng điểm mạnh của bản thân để bù đắp cho những điều mà người khác còn thiếu. 

Chính vì vậy, cha mẹ cần giúp con hiểu rằng mình là một bản thể đầy màu sắc. Dù được học tập trong cùng môi trường, cùng thầy cô, cùng chương trình đào tạo, thì việc các con học giỏi và ghi dấu ở những môn học, lĩnh vực khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Con luôn có những điểm mạnh riêng giúp con trở nên nổi bật, có sân khấu riêng nơi mà con tỏa sáng, có khoảng trời riêng để con thỏa sức cất cánh bay cao.

Mỗi em học sinh là một bản thể đầy màu sắc

Là người bạn đồng hành cùng con trên mọi dấu mốc quan trọng của cuộc đời, cha mẹ nên là người hiểu rõ về những thế mạnh của con, từ đó giúp con đặt ra mục tiêu phù hợp để phấn đấu. Khi chưa xác định được mục tiêu rõ ràng, các em học sinh có xu hướng lấy mục tiêu của bạn bè xung quanh để làm tiêu chuẩn cho bản thân. Chẳng hạn, khi thấy bạn mình đạt giải cao trong kỳ thi Olympic Toán học, con cũng muốn được tham gia kỳ thi này dù năng khiếu của con là môn học khác. Có thể thấy, điều mà con mong muốn thực chất là đạt giải ở cuộc thi chứ không phải là tham gia kỳ thi Olympic Toán.

Khi nhìn vào người khác để tìm kiếm mục tiêu, các em có thể lựa chọn đích đến không phù hợp và dễ dàng cảm thấy nản chí. Để ngăn chặn điều này, cha mẹ nên dựa trên những đặc điểm của con để hướng con đến những mục tiêu phù hợp với bản thân. Điều quan trọng là trên chặng đường đi tới mục tiêu đó, con học được nhiều điều mới mẻ và trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày, bởi “chiến thắng bản thân mới là chiến thắng hiển hách nhất”.

Cũng có khi, không cần đến bài học về giá trị bản thân hay những kế hoạch chi tiết, điều cha mẹ cần làm chỉ là dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ cùng con. Trong mọi giai đoạn của cuộc đời, sẻ chia luôn là cây cầu nối tin cậy giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt trong thời gian gặp phải áp lực đồng trang lứa, các em càng có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ cùng gia đình. Lúc này, cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để dành thời gian quan tâm và động viên, khích lệ kịp thời.

Chia sẻ chính là cầu nối tin cậy giữa cha mẹ và con cái

Chỉ khi thực sự lắng nghe thì cha mẹ mới thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con và trở thành người bạn đồng hành, cùng con vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Cha mẹ làm bạn với con là gieo những cảm xúc tích cực cho con. Muốn như vậy, chia sẻ và lắng nghe cần dựa trên nguyên tắc Yêu thương và Tôn trọng. Cha mẹ cần hiểu con, chấp nhận những điểm mạnh – yếu của con mình để yêu thương và giúp con thêm hoàn thiện. 

Những giờ học “healing”

Có thể nói, áp lực thường khởi nguồn từ trường học – nơi các em sinh hoạt, học tập cùng các bạn đồng trang lứa mỗi ngày. Vì vậy, nhà trường phải là người đồng đội, kề vai sát cánh cùng phụ huynh học sinh trên trận chiến chống lại áp lực đồng trang lứa. Quan tâm, chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của học sinh là nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị cho các em những kỹ năng kiểm soát tâm lý, hành vi và chia sẻ tâm tư, cảm xúc. Từ đó, tháo gỡ những khúc mắt, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm tuổi học trò.

Với mục tiêu tạo nên thế hệ công dân toàn cầu trưởng thành trong hạnh phúc, Hanoi Academy xác định niềm vui tới trường của học sinh là đích đến cho mọi hoạt động trong năm học. Đan xen với các môn học kiến thức, nhà trường tổ chức các lớp học văn hoá, nghệ thuật, nấu ăn,… giúp học sinh giải tỏa áp lực học tập, đồng thời khám phá tiềm năng sáng tạo của bản thân. Đây chính là những giờ học “healing” đối với học sinh toàn trường, nơi các em được kết nối, được nói, được lắng nghe về những chủ đề mình yêu thích, để từ đó hiểu thêm về chính mình, tìm ra phương tiện chữa lành cho bản thân khi gặp áp lực trong cuộc sống.

Giờ học giúp giải tỏa áp lực tại Hanoi Academy

Thực hiện tôn chỉ “Lấy học sinh làm trung tâm”, thầy cô và cán bộ nhà trường luôn thực hành đúng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp: Tôn trọng, yêu thương, lắng nghe chia sẻ, tâm nguyện của mọi học sinh. Tại Hanoi Academy, mọi nét cá tính đều được đề cao, mọi khả năng đều được chú trọng phát triển, mọi sự khác biệt đều được tôn trọng. Mỗi học sinh là một thế giới tâm hồn với những năng lực riêng biệt mà bản thân các em còn chưa biết đến. Vì vậy, nhiệm vụ của thầy cô là giúp các em khám phá tiềm lực và phát huy tối đa sở trường của bản thân, để các em luôn tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Một năm học mới lại bắt đầu, các em học sinh đang bước sang trang mới của hành trình tri thức. Chắc hẳn, các em cũng mang trong mình những nỗi niềm riêng: nỗi lo hòa nhập, áp lực học tập, áp lực đồng trang lứa,… Bước vào tuổi mới lớn, các em luôn có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ. Ngoài cha mẹ, bạn bè, người thân, các em có thể tìm đến thầy cô để tâm sự và xin lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống. Nắm bắt tâm lý đó, Hanoi Academy đã triển khai hoạt động của Phòng tâm lý học đường. 

Không gian phòng Tâm lý học đường ấm cúng tại Hanoi Academy

Không gian chia sẻ là nơi luôn lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ giải quyết những vấn đề của các em học sinh, giúp các em rèn luyện tinh thần mạnh mẽ và lối suy nghĩ tích cực. Khi tham gia tư vấn, các thông tin liên quan đều được bảo mật chặt chẽ. Bởi vậy, học sinh có thể thoải mái xem đây là ngôi nhà thứ hai để giãi bày tâm sự, chia sẻ những vấn đề không biết giải tỏa cùng ai.

Nơi các em học sinh có thể giãi bày những nỗi lo thầm kín

Năm 2023 – 2024, Hanoi Academy lựa chọn “Grateful Hearts – Brighter Paths” là chủ đề cho các hoạt động xuyên suốt năm học. Đây là chủ đề lấy cảm hứng từ 2/6 giá trị cốt lõi của Hanoi Academy đó là Yêu thương và Tôn trọng. Nhà trường hy vọng rằng các em học sinh sẽ biết sống tri ân, biết tôn trọng tình yêu thương mà cha mẹ và thầy cô đã hết lòng vun đắp. Trái tim yêu thương cùng với sự cố gắng sẽ giúp các em trưởng thành và không ngừng phát triển bản thân, vượt lên mọi khó khăn, áp lực và tạo dựng tương lai tươi sáng.

Cuối cùng, áp lực đồng trang lứa vừa là một mối nguy cho sức khỏe tinh thần của học sinh vừa có thể là liều thuốc tiếp thêm động lực để các em vươn lên và chạm tới những thành tựu mới. Để áp lực đồng trang lứa không còn là mối nguy tiềm ẩn, cha mẹ và nhà trường cần phối hợp để xây dựng cho con hệ miễn dịch tinh thần, giúp con tự tin là mình và sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.

(*) Phòng Tuyển sinh Hanoi Academy:

  • Hotline: 0986 94 0909
  • Email: info@hanoiacademy.edu.vn