GIẢI ĐÁP THẮC MẮC: Bé học mẫu giáo cần chuẩn bị những gì?

Tin tức - Sự kiện

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC: Bé học mẫu giáo cần chuẩn bị những gì?

  • Cẩm nang Phụ huynh
  • 21/03/2023

Việc thích nghi với môi trường mẫu giáo là điều khó khăn với bất kỳ đứa trẻ nào, kể cả với những em nhỏ được bố mẹ cho tiếp xúc môi trường mầm non từ sớm. Vậy bé học mẫu giáo có lợi ích gì và cần chuẩn bị những gì là những thông tin sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu bạn nhé!

I/ Những lợi ích khi cho bé học mẫu giáo?

– Củng cố được kỹ năng xã hội: Ở trường mầm non, trẻ sẽ được học những kỹ năng quan trọng như: Lắng nghe, giúp đỡ người khác… Điều này cũng sẽ giúp trẻ cải thiện được kỹ năng giao tiếp.

– Học được những kỹ năng cơ bản: Trường học mầm non cung cấp cho trẻ những nền tảng cơ bản nhất của việc nhận diện sắc màu, chữ cái, con số. Ở đây, trẻ sẽ được học hỏi thêm những kiến thức cơ bản về màu sắc, bảng chữ cái, số và nhiều kỹ năng khác.

– Giúp bé thích nghi với môi trường học đường: Trường mầm non là nơi đầu tiên giúp trẻ làm quen được với môi trường học đường, trẻ sẽ biết những người mà mình được tiếp xúc, trong lớp học xảy ra những gì… Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng làm quen với việc đi học sau này.

– Trẻ phát triển tính tự lập: Ở trường, trẻ sẽ được các cô hướng dẫn các kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi như: Rửa tay, đánh răng, dọn dẹp đồ chơi, phát triển tính tự lập…Các bé sẽ không bị mất thời gian để thích nghi với những đứa trẻ khác khi bước vào lớp 1.

Học mầm non giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường học đường

II/ Chuẩn bị cho bé học mẫu giáo, phụ huynh cần những gì?

Có rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng căng thẳng bởi các bé quấy khóc, không chịu đi học mẫu giáo. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con cũng như tâm lý của cha mẹ. Để con hào hứng đi học mẫu giáo ngoan, không quấy khóc, phụ huynh cần những làm những điều sau:

1/ Lập kế hoạch hoạt động xã hội nhiều hơn

Ở lớp mẫu giáo, tất cả các bé phải hòa đồng với những đứa trẻ khác. Nếu con bạn không dành nhiều thời gian trong nhóm thì những hoạt động tập thể như chia sẻ, thay phiên, hợp tác sẽ khiến bé cảm thấy khó khăn. Do vậy, các bậc phụ huynh hay cố gắng cho con làm quen với việc trở thành thành viên của một nhóm nhỏ nào đó bằng cách sắp xếp chỗ chơi với một hoặc nhiều bạn khác bằng tuổi, ví dụ: Cho bé tham gia câu lạc bộ múa, vẽ, thể thao, âm nhạc…

2/ Động viên trẻ đến trường

Giống như người lớn, trẻ em khi bước vào môi trường mới cũng cần có người hướng dẫn và làm công tác tư tưởng. Bạn có thể khuyến khích bé bằng những câu như: “Thời của bố, được đi học là điều thú vị nhất”; “Con không phải sợ”; “Ở lớp có rất nhiều điều thú vị”; “Con sẽ thích lớp học này cho mà xem”….Cách truyền tải thú vị này sẽ xoa dịu cơn sợ hãi của bé, đồng thời giúp bé cảm thấy tự tin hơn khi đến trường.

3/ Dành nhiều thời gian trò chuyện hơn

Hãy trò chuyện với con về những gì sẽ xảy ra ở trường, ví dụ: Trong lớp có ai, đến trường con sẽ làm gì, đi đâu, con sẽ chơi với người nào. Trước khi chính thức cho trẻ đến trường, bố mẹ nên cùng con đến thăm lớp ít nhất một lần, tốt nhất là khi có những đứa trẻ khác và giáo viên tương lai tại lớp.

Trước khi trẻ đến trường, hãy dành thời gian trò chuyện với trẻ nhiều hơn

4/ Thực hiện thói quen tạm biệt

Nếu đây là lần đầu con phải xa bạn, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng vì sợ bạn không đến lớp đón. Để trấn an bé, bố mẹ nên thực hiện một số động tác đặc biệt như high-five hoặc nói một số câu như: “Mẹ sẽ đến đón con sớm”, “Cuối ngày mẹ sẽ đến đón con về”

Trong những ngày đầu tiên, phụ huynh nên dành thêm thời gian để cùng bé đi học vào mỗi buổi sáng. Đặc biệt, sau khi đưa trẻ vào lớp, cần tránh đi luôn, không nên để trẻ nhìn thấy bố mẹ vẫn thập thò ngoài cổng trường, điều này chỉ khiến cảm xúc của trẻ trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

5/ Đọc cho con nghe mỗi ngày

Hầu hết ở các lớp học mẫu giáo sẽ có ít nhất 1 tiết học mỗi ngày. Phụ huynh hãy dành ít nhất 15 phút để đọc sách cho con. Những đứa trẻ không được trải nghiệm việc đọc, nghe từ sớm thường sau này sẽ bị khó đọc hơn. Hãy đọc thật to và diễn cảm là cách tốt nhất để con phát triển kỹ năng lắng nghe.

Khi trẻ lên 4,5 tuổi, hãy yêu cầu trẻ đọc cùng bạn và trả lời những câu hỏi liên quan đến câu chuyện đó. Hoặc thúc đẩy trẻ học cách dự đoán kết quả của một câu chuyện bằng cách dừng giữa chừng và hỏi con về những gì mà trẻ nghĩ sẽ xảy ra tiếp theo trong câu chuyện này.

6/ Rèn luyện kỹ năng lắng nghe

Giáo viên mầm non thường khuyến khích các bé ngồi yên và lắng nghe trong lớp. Vì vậy, bạn hãy giúp trẻ chuẩn bị cho yêu cầu này bằng cách thỉnh thoảng yêu cầu trẻ ngồi yên lặng, nhắm mắt và lắng nghe, sau đó yêu cầu trẻ miêu tả lại âm thanh mà trẻ vừa nghe được. Hỏi trẻ ai hoặc con gì đã tạo ra âm thanh đó.

III/ Nên cho trẻ đi học mẫu giáo lúc mấy tuổi?

Ngoài cần chuẩn bị những gì cho bé học mẫu giáo thì “Mấy tuổi nên cho trẻ đi học mẫu giáo?” cũng là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. Ở mỗi quốc gia, độ tuổi đi học mầm non của trẻ là khác nhau, cụ thể:

– Vương quốc Anh: Các cơ sở mầm non ở Anh nhận trẻ từ 3-4 tuổi. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào tình hình, tính chất công việc mà bố mẹ có thể gửi con sớm hơn tại các trường tư nhân.

– Mỹ: Trẻ em ở Mỹ có thể được gửi vào nhà trẻ khi chỉ mới 6 tuổi, một số trường còn nhận trẻ khi mới 2 tuần tuổi.

– Canada: Ở Canada, trẻ em lớn hơn 2 tuổi sẽ được gửi đến các trường mẫu giáo.

– Thụy Điển: Một tuổi là độ tuổi mà hầu hết trẻ sẽ được đến trường học mầm non

– Nhật Bản: Các trường mẫu giáo ở Nhật Bản nhận trẻ từ 3 tháng tuổi

– Đức: Đức là quốc gia có nền giáo dục khuyến khích trẻ phát triển tự nhiên. Do vậy, trẻ 1 tháng tuổi đã có thể cho đi học mẫu giáo.

– Trung Quốc: Trẻ em ở Trung Quốc có độ tuổi trung bình là 3 tuổi.

– Việt Nam: Độ tuổi đi học mầm non của trẻ em Việt Nam trung bình từ 2 -2,5 tuổi.

Độ tuổi đi học mầm non của trẻ em Việt Nam trung bình từ 2 -2,5 tuổi

IV/ Thủ tục cho bé học mẫu giáo như thế nào?

Thủ tục đăng ký cho bé học mẫu giáo các trường công lập thường khá đơn giản. Phụ huynh có thể áp dụng cách trực tiếp hoặc online.

1/ Thủ tục nhập học trường mầm non công lập trực tiếp

Bước 1: Cán bộ tuyển sinh hướng dẫn phụ huynh làm hồ sơ nhập học theo quy định

Bước 2: Phụ huynh hoàn thiện hồ sơ, nộp lại cho trường

Bước 3: Trường thu lại hồ sơ để kiểm tra, sau đó hẹn ngày nhập học cho bé

Bước 4: Đến ngày tựu trường, cha mẹ đưa bé đến trường và vào học

2/ Thủ tục nhập học trường mầm non công lập online

Bước 1: Cha mẹ truy cập trang web hệ thống tuyển sinh trực tuyến theo địa chỉ https://tsdaucap.hanoi.gov.vn

Bước 2: Cha mẹ điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu

Bước 3: Sau khi cha mẹ điền thông tin, nhấn tiếp tục để xem lại thông tin mà mình đã điền. Kiểm tra thật kỹ những thông tin đó.

Bước 4: Ngay sau đó hệ thống sẽ báo kết quả đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào trường. Cha mẹ lưu lại mã hồ sơ để sau này tra cứu. Cuối cùng nhấn hoàn tất để kết thúc việc đăng ký.

Lưu ý: Với những trường dân lập hoặc song ngữ thì mỗi trường lại có hình thức tuyển sinh khác nhau. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo trên chính website của trường đó. Tại trường song ngữ Hanoi Academy, phụ huynh có thể đăng ký TẠI ĐÂY.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi: “Bé học mẫu giáo cần chuẩn bị những gì?” và có những thông tin bổ ích. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.