Cùng con vượt qua thách thức tuổi vị thành niên
- Cẩm nang Phụ huynh
- 30/01/2024
Thông qua buổi workshop, các bậc phụ huynh đã có cơ hội chia sẻ những khó khăn, thắc mắc của mình với chuyên gia tâm lý và nhận được những lời khuyên hữu ích để đồng hành cùng con trong tuổi vị thành niên.
Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, nhưng cũng là giai đoạn đầy những thay đổi và thử thách. Bởi vậy, cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đồng hành cùng con, giúp con vượt qua những thách thức này một cách tích cực.
Thấu hiểu được những trăn trở, khó khăn của cha mẹ khi là người đồng hành cùng con, phòng Tâm lý học đường Hanoi Academy kết hợp với Viện tâm lý Việt Pháp tổ chức workshop tâm lý “Cùng con vượt qua thách thức tuổi vị thành niên – Thấu hiểu để yêu thương”. Chương trình mang đến cho các bậc cha mẹ những thông tin hữu ích về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên và cách thức kết nối lành mạnh, gắn kết với con, giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa cha mẹ và con cái.
Buổi workshop có sự tham gia của diễn giả đến từ Viện Tâm lý Việt – Pháp – đối tác chính thức của Hanoi Academy với vai trò cố vấn, đào tạo và hỗ trợ trong chương trình Tâm lý học đường: ThS. Nguyễn Thị Phương, Giảng viên bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Phụ trách phòng Tham vấn Tâm lý – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lứa tuổi “chưa là người lớn, cũng chẳng phải trẻ con”
Theo tổ chức Y tế thế giới, tuổi vị thành niên là giai đoạn từ 10 – 19 tuổi. Ở lứa tuổi này, các con phải đương đầu với hàng loạt thách thức như sự biến đổi nhanh về thể chất, tâm sinh lý, tình yêu, tình bạn, sự lôi kéo và sức ép từ phía bạn bè, chưa có hiểu biết và chưa được trải nghiệm các kỹ năng tự bảo vệ, thường xuyên khó khăn trong mối quan hệ với người lớn,…
Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi trẻ em và tuổi trưởng thành. Đây là khoảng thời gian mà sự thay đổi nhanh chóng về thể chất có thể khiến con bối rối. Cùng với đó, việc không còn là trẻ con, nhưng chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức để tự đưa ra quyết định cũng đem đến cho trẻ không ít những áp lực về mặt tinh thần. Chính vì vậy, đây được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng, có thể tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến các giai đoạn tương lai.
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương, ở tuổi vị thành niên, các bạn trẻ có xu hướng muốn khẳng định bản thân, thể hiện sự độc lập và mong muốn được đối xử như một người trưởng thành. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm sống, các con thường có những hành động bộc phát, cảm tính và đi ngược với những mong muốn của người lớn. Điều này dẫn đến những xung đột thế hệ trong gia đình, xã hội. Những mâu thuẫn này, nếu không được giải quyết một cách thấu đáo, có thể khiến cho tuổi vị thành niên trở thành giai đoạn khủng hoảng, thậm chí tồi tệ với nhiều bạn trẻ.
Mặt khác, khủng hoảng tuổi vị thành niên không phải là điều tiêu cực, mà là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi người. Đây là thời điểm các bạn trẻ bắt đầu khám phá bản thân, xây dựng cái tôi cá nhân, hình thành những giá trị, quan điểm sống riêng. Nếu được nhìn nhận một cách tích cực, những mâu thuẫn của độ tuổi “ẩm ương” này có thể trở thành động lực thúc đẩy các bạn trẻ phát triển toàn diện.
Thấu hiểu con – Thấu hiểu chính mình
Là phụ huynh, chắc hẳn ai cũng từng trải qua tuổi dậy thì với đầy những bất ngờ và thử thách. Mặc dù vậy, do khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về quan điểm, cách sống, cha mẹ đôi khi khó có thể đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của con.
Còn đối với các bạn trẻ, tuổi vị thành niên như một cánh cửa hẹp ngăn cách bản thân mình với thế giới xung quanh, nhưng chỉ cần cha mẹ chịu khó lắng nghe, tìm hiểu, trò chuyện và từ từ từng chút một tiến vào thế giới của riêng con thì mọi khoảng cách thế hệ có thể dễ dàng được hóa giải.
Một trong những nguyên tắc khi trò chuyện với con được Ths tâm lý học Nguyễn Thị Phương chia sẻ chính là: “Tôn trọng sự riêng tư và không xâm phạm không gian cá nhân của con, không ép buộc con chia sẻ những điều mà bản thân không mong muốn”. Phụ huynh không thể lúc nào cũng đòi hỏi con phải trò chuyện, phải trung thực hay kể tất cả những thứ xảy ra quanh con với cha mẹ ngay lập tức. Đặc biệt với những trẻ có tính cách hướng nội, ít thích chia sẻ thì lại càng khó.
Cũng theo như nhận định của diễn giả buổi workshop, cha mẹ thấu hiểu con phải dựa trên cơ sở thấu hiểu chính mình – hiểu những gì mình cần chia sẻ, hiểu cách mình gợi mở câu chuyện, hiểu điều mình mong muốn được kết nối với con. Khi hiểu rõ bản thân, cha mẹ sẽ biết cách ứng xử phù hợp và đặt ra mức kì vọng vừa đủ. Từ đó, cha mẹ có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng, tôn trọng với con, và đồng hành cùng con trong những năm tháng vị thành niên đầy biến động.
Xét cho cùng, “Thấu hiểu để yêu thương” chính là chìa khóa giúp các bậc phụ huynh cùng con vượt qua thử thách vị thành niên. Điều này có thể được thể hiện qua việc dành thời gian trò chuyện và chia sẻ với con một cách chân thành, cùng hỗ trợ và động viên con vượt qua mọi khó khăn. Khi cảm thấy luôn có người ở bên cạnh và thấu hiểu, con trẻ sẽ có thêm động lực để thay đổi, lớn khôn và trưởng thành trong hạnh phúc.
Buổi workshop của Phòng Tâm lý học đường Hanoi Academy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh học sinh. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy vấn đề tâm lý của con trẻ đang dần nhận được sự quan tâm đúng mực từ các bậc phụ huynh hiện đại. Thông qua những kiến thức và kĩ năng từ buổi workshop, cha mẹ có thể hiểu rõ những biến động tâm sinh lý của con, từ đó xây dựng phương thức giao tiếp hiệu quả để đồng hành cùng con qua khủng hoảng tuổi vị thành niên.
(*) Phòng Tuyển sinh Hanoi Academy:
Hotline: 0986 94 0909
Email: info@hanoiacademy.edu.vn
Tin nổi bật
- Cẩm nang Phụ huynh
- 11/10/24
Chương trình Mầm Non IEYC tại Hanoi Academy: Khởi đầu vững chắc cho tương lai của bé
- Cuộc sống học đường
- 30/09/24
Điểm tin sự kiện tháng 9/2024
- Cẩm nang Phụ huynh
- 20/09/24
Lớp tiền tiểu học: Đầu tư cho tương lai hay lãng phí thời gian?
- Cuộc sống học đường
- 19/09/24
Học sinh Hanoi Academy đón tết Trung thu: Ánh trăng soi sáng tình đoàn viên
- Cẩm nang Phụ huynh
- 16/09/24