Bàn về họp phụ huynh đầu năm online
- Cuộc sống học đường
- 13/10/2021
Năm nay là một năm học thật đặc biệt, không chỉ học sinh phải học trực tuyến mà ngay phụ huynh cũng phải tham gia cuộc họp đầu năm theo hình thức này. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ thầy Đỗ Quang Hưng chủ nhiệm lớp 9 Panther về cuộc họp phụ huynh đặc biệt này nhé!
Đối với một GVCN thì cuộc họp đầu năm, có thể nói là một cuộc họp quan trọng nhất, quyết định rất lớn tới cả một năm học sắp diễn ra có thuận lợi hay không đối với người GVCN. Tại sao cuộc họp này lại quan trọng như thế, đặc biệt là cuộc họp của một GVCN mới nhận một lớp mới.
Cuộc họp đầu năm có thể coi như là một dịp để PHHS và GVCN có thể trò chuyện, hiểu nhau. Người ta nói “Tư tưởng không thông, vác bị bông cũng nặng, tư tưởng đã thông thì việc khó mấy cũng thành công”. Vậy một người chủ nhiệm nên trao đổi những gì trong cuộc họp này, ngoài những thông tin chung về nhà trường…
Trong những cuộc họp đầu năm thế này, cá nhân tôi sẽ ưu tiên một số việc sau:
Vấn đề 1. Giới thiệu về bản thân: Phần này không cần dài dòng, ngắn gọn thôi nhưng đủ thông tin để PH biết được thông tin của người giáo viên, môn dạy, email, điện thoại để liên lạc. Ngoài ra có thể giới thiệu thêm một vài sở thích cũng được, nhưng là những sở thích phù hợp với một người làm công tác giáo dục.
Vấn đề 2. Trao đổi về quan điểm giáo dục của người giáo viên chủ nhiệm
Phần này, cá nhân mình đánh giá là 1 trong những phần quan trọng nhất để phụ huynh thấy được tư tưởng tưởng, những quan điểm giáo dục của người mà sẽ định hướng con em họ trong suốt cả một năm học. Có câu: “Thầy nào, trò nấy”, ngẫm ra cũng không sai, học trò thường nhìn thầy để mà hành động, nên tư tưởng quan điểm giáo dục của người thầy sẽ chiếc la bàn định hướng cho học sinh hình thành tư tưởng, hành vi sau này. Nếu quan điểm giáo dục của người thầy sáng, có tâm, thực sự vì học sinh, hiểu học sinh, thì PH bắt đầu có thể yên tâm về người dẫn dắt con em mình.
Cá nhân mình hôm nay có chia sẻ về thuyết đa trí tuệ và giúp PH có cái nhìn đa chiều hơn về khả năng của con em mình, cũng như có thêm ý tưởng định hướng nghề nghiệp, trường học cho con trong những năm tới.
Vấn đề 3. Nguyên tắc làm việc, phối hợp giữa GVCN – PHHS
Phần này quyết định đến quá trình phối hợp lẫn nhau trong quá trình HS trong một thời gian dài, nên nếu phần này GVCN và PHHS không rõ ràng với nhau thì sẽ dẫn đến nhiều chuyện dở khóc dở cười, có thể mất nhiều thời gian mà chưa chắc hiệu quả đạt được đã cao.
Ngày hôm nay mình chia sẻ 5 nguyên tắc phối hợp giữa GVCN và PHHS như sau;
1) Mục tiêu giáo dục: Các biện pháp phối hợp để hỗ trợ HS cần phải hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh.
2) Trách nhiệm chung: Trong quá trình giáo dục HS, PHHS – GVCN cần phải thống nhất quan điểm, hai bên đều cùng có trách nhiệm giáo dục học sinh, tránh việc đẩy trách nhiệm cho một bên duy nhất, sẽ rất khó có thể đạt hiệu quả giáo dục cao.
3) Tôn trọng lẫn nhau: Vai trò giữa GVCN và PHHS là như nhau trong quá trình giáo dục HS, hai bên cần có sự tôn trọng lẫn nhau trong quá trình làm việc, tránh để tình trạng GV sợ PH, PH sợ GV khiến những giải pháp đưa ra sẽ thiếu khách quan.
4) Tập trung vào giải pháp: Khi học sinh gặp các vấn đề, PHHS và GVCN cần tập trung vào việc tìm giải pháp nhanh nhất để giải quyết vấn đề, tránh mất thời gian để đổ lỗi cho nhau mà cuối cùng không thống nhất được giải pháp chung
5) Kênh liên lạc: GVCN và PHHS cần thống nhất những kênh liên lạc mang tính chính thống, việc nhắn tin, gọi điện cũng nên thống nhất quy tắc chung (Khung giờ, trường hợp nào nên gọi điện, trường hợp nào nên nhắn tin, khi nào gửi email), để tránh hai bên có thể làm phiền đến nhau trong những thời điểm không thích hợp . VD: PH gọi điện cho GV trong lúc GV có giờ dạy, GV gọi điện cho PH khi PH đang tham gia cuộc họp vv… (trong trường hợp khẩn cấp thì cần phải gọi điện trực tiếp luôn và ngay)
Vấn đề 4. Tạo cơ hội cho PHHS trải nghiệm hoạt động học tập HS
Nếu PH có thể tham gia một hoạt động tương tự như hoạt động HS thường làm trên lớp, PH có thể đồng cảm và hiểu được con em mình đang làm gì, tại sao lại phải dùng phần mềm này, tại sao phải dùng thiết bị kia… Khi PH đã hiểu và thấy hoạt động này là hiệu quả thì PH sẽ ủng hộ và hỗ trợ GV trong việc nhắc nhở HS cũng như chuẩn bị thiết bị.
Trong buổi họp hôm nay mình có hoạt động làm Quizizz về một số nội dung đã triển khai trong cuộc họp. PH tham gia thực sự là hào hứng, có PH còn chia sẻ: “Nếu tôi làm kém quá thầy đừng nói với con nhé”. PH đạt giải nhất cuộc thi mình cũng làm một món quà tinh thần là một giấy chứng nhận tự chế, nhỏ thôi, nhưng cùng là một chút động lực để PH tham gia.
Đây là một vài chia sẻ của mình về cuộc họp PHHS đầu năm, dù Online hay Offline thì quan trọng nhất vẫn là nội dung và cách mình tổ chức sao cho phù hợp và giúp hai bên có thể hiểu và tin nhau hơn.
Chúc mọi người thành công!
Tin nổi bật
- Cuộc sống học đường
- 10/12/24
Ra mắt Linh vật mới của Hanoi Academy: Hiện thân của sự sáng tạo, khám phá và khát vọng vươn xa
- Cuộc sống học đường
- 01/12/24
Điểm tin sự kiện Tháng 11/2024
- Cẩm nang Phụ huynh
- 01/12/24
Khám phá Chương trình Tiểu học toàn diện tại Hanoi Academy
- Cuộc sống học đường
- 29/11/24
Món quà đặc biệt cho học sinh Khối 12 – Lưu giữ kỷ niệm thanh xuân đáng nhớ
- Cẩm nang Phụ huynh
- 27/11/24