Ứng dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong môn Lịch sử - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Ứng dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong môn Lịch sử

  • Tin giáo dục
  • 17/11/2021

Trong tình hình dịch hiện nay, giải pháp tối ưu nhất của các trường đó là chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Mặc dù học trực tuyến còn nhiều khó khăn, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà học online đem lại, giúp học sinh sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng công nghệ thông tin.

Xác định những khó khăn trong tương tác khi học online, để tăng sự hứng thú và hoạt động cho học sinh khối 8, giáo viên Lịch sử đã tiến hành tổ chức tiết học theo phương pháp “Lớp học đảo ngược” khi học bài 12 Nhật Bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. 

Đầu tiên, GV sử dụng ứng dụng Epuzzle để tạo video nội dung kiến thức bài học đính kèm câu hỏi và gửi học sinh xem, hoàn thành trước tiết học. Với hoạt động này, học sinh sẽ xác định được nội dung chính của bài trước khi lên lớp. Như vậy, khi tiết học diễn ra, giáo viên và học sinh sẽ cùng nhau củng cố lại kiến thức trọng tâm và thảo luận những vấn đề liên quan đến bài học, học sinh hoàn toàn là người làm chủ tiết học, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và dẫn dắt.

Hoạt động đầu tiên là hoạt động khởi động, GV sử dụng ứng dụng Menti để tạo câu hỏi và hình ảnh. Học sinh được tự do chia sẻ những thông tin con biết về Nhật Bản, thủ đô của Nhật Bản và những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản hiện nay. Mục tiêu của hoạt động là nhằm tạo hứng thú cho học sinh và dẫn dắt vào bài. Học sinh xác định được mục tiêu của bài.

Hoạt động 2, giáo viên tổ chức một trò chơi trên Kahoot/ Quizizz để kiểm tra nội dung kiến thức học sinh đã xem trước ở nhà, xác định mức độ kiến thức học sinh đã đạt được sau khi xem video. Trò chơi kết thúc, giáo viên chốt nhanh lại kiến thức cơ bản một lần nữa để đảm bảo mục tiêu số 1 và số 2. Giáo viên kết nối với phần khởi động về văn hóa võ sĩ đạo của Nhật Bản và khẳng định Nhật Bản là nước đế quốc quân phiệt hiếu chiến.

Hoạt động 3, thảo luận nhóm, giáo viên tạo sẵn nhiệm vụ và thành viên các nhóm trên Google slide. Trong nhiệm vụ này, học sinh cần phải nhớ lại kiến thức bài trước để so sánh với Nhật Bản. Học sinh lắng nghe hướng dẫn của giáo viên, sau đó tìm đến slide có tên mình và tiến hành thảo luận nhiệm vụ dưới sự quan sát của giáo viên. Giáo viên có thể quan sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ của học sinh hoặc nhắc nhở kịp thời học sinh không tham gia. Kết thúc hoạt động, giáo viên nhấn mạnh và chốt lại tầm quan trọng của giáo dục đối với mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và liên hệ với học sinh.

Hoạt động cuối cùng của tiết học là hoạt động vận dụng, học sinh tìm kiếm và kể tên những đồ dùng của gia đình được sản xuất từ Nhật Bản để thấy sự phát triển và phổ biến của Nhật Bản hiện nay. Tiết học diễn ra hoàn toàn lấy học sinh làm trung tâm, mặc dù học online nhưng các con không cảm thấy quá nặng nề.

        Trần Thị Hằng – Giáo viên Lịch sử trường trung học