Tiếp cận lớp học online giống như ở trên lớp thông qua ứng dụng Breakout Room - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Tiếp cận lớp học online giống như ở trên lớp thông qua ứng dụng Breakout Room

  • Cuộc sống học đường
  • 04/01/2022

Học sinh Bùi Lam Ngọc (lớp 9 Eagle) bày tỏ suy nghĩ: Con cảm thấy việc thuyết trình nhóm và thảo luận trực tiếp trên một nhóm meet nhỏ là một cách học rất hay và hiệu quả. Việc dành thời gian trong tiết học để thảo luận trên meet giúp bọn con có thể làm việc năng suất và các thành viên trong nhóm cũng có ý thức tự giác. Con rất thích cách học này”.

Do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid, việc học Online không còn là giải pháp tình thế mà đã dần trở thành một xu hướng tất yếu. Để dạy và học online trở nên sinh động giống như lớp học trực tiếp thì việc tăng cường sự tương tác giữa các nhân tố của lớp học là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, sự tương tác giữa giáo viên với học sinh trở nên dễ dàng qua các hoạt động trình chiếu trực tiếp tại Meet, các hoạt động thảo luận trên Padlet, củng cố kiến thức qua Quizizz, Kahoot, Quizlet và rất nhiều các ứng dụng học tập thông qua trò chơi khác phù hợp với đặc thù của từng môn học.

Bên cạnh đó, sự tương tác giữa học sinh và học sinh cũng là một mục tiêu cần được chú trọng nhằm phát huy vai trò trung tâm của học sinh, giúp học sinh có cơ hội để cùng nhau nghiên cứu, thể hiện kiến thức; có cơ hội để thấu hiểu và giao tiếp với nhau nhiều hơn. Nếu như trước đây, tại lớp học truyền thống, giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ theo không gian lớp học và trực tiếp tới từng nhóm để hướng dẫn các nội dung thảo luận, quan sát và hỗ trợ khi học sinh cần tư vấn thì lớp học online (với ứng dụng dạy học qua Google Meet) làm cách nào để duy trì được điều đó?

Với việc sử dụng ứng dụng Breakout Room, các tiết học thảo luận nhóm diễn ra thuận lợi. Breakout Room trên Google Meet cho phép giáo viên có thể phân bổ ngẫu nhiên hoặc có chọn lọc học sinh vào các không gian nhóm nhỏ để thảo luận, tương tác mà không bị ảnh hưởng (nghe thấy, nhìn thấy) các nhóm khác. Và đặc biệt là GV có thể quản lý, kiểm soát ĐỒNG THỜI tất cả các nhóm học tập.

Bên cạnh đó, các lợi ích từ việc phân chia thảo luận nhóm trực tiếp trên lớp học online giúp:

– Các nhóm được trao đổi trực tiếp thông qua hình ảnh, âm thanh.

– Hạn chế tối đa thời gian sử dụng máy tính của các con sau giờ học. Thay vì HS phải liên kết và tương tác với nhau sau giờ học theo nhóm thì các con tận dụng thời gian học tập ngay trên lớp và nhận được hỗ trợ kịp thời của GV khi có câu hỏi cần tư vấn.

– Phát huy vai trò trung tâm nghiên cứu và giải quyết vấn đề học tập của học sinh.

– Học sinh phát triển kỹ năng sử dụng các ứng dụng công nghệ vào giải quyết nhiệm vụ chung.

– Các thành viên phát huy vai trò quan trọng trong việc điều phối và quản lý nhóm, nâng cao ý thức hoàn thành nhiệm vụ chung.

– Tiếp cận lớp học với các hoạt động chia nhóm theo từng không gian riêng biệt giống như lớp học trực tiếp.

Dưới đây là cách thức tổ chức và sử dụng Breakout Room trong lớp học môn Ngữ văn tại trường Hanoi Academy:

Hoạt động 1: GV sử dụng Breakout Room để chia nhóm ngẫu nhiên hoặc có chọn lọc.

Hoạt động 2: GV giao nhiệm vụ cho từng nhóm trên file theo dõi chung bao gồm: Tên các thành viên của nhóm (chú thích nhóm trưởng), cột theo dõi về việc bật/tắt camera/Mức độ tương tác trong quá trình thảo luận; Nội dung thuyết trình cho từng nhóm (có link tài liệu tham khảo); Cột nộp Link sản phẩm của học sinh (Do HS gắn link ngay khi khởi tạo để GV có thể theo dõi tiến độ làm việc), Tiêu chí chấm (Bao gồm 4 tiêu chí về Nội dung, 4 tiêu chí về Hình thức và 4 tiêu chí về Phong cách thuyết trình được miêu tả chi tiết ở phần tô vàng).

Hoạt động 3: Sau khi đã phổ biến chi tiết về nhiệm vụ và yêu cầu học tập, GV gửi link Meet đã phân chia theo nhóm được khởi tạo tự động từ Breakout Room để học sinh di chuyển về nhóm của mình.

Ở hoạt động này, HS sẽ trình chiếu phần nội dung làm bài của mình để cùng thảo luận trực tiếp. GV có thể theo dõi tiến độ làm bài của từng nhóm trên màn hình, lắng nghe phần thảo luận của các thành viên và hỗ trợ khi nhóm giơ tay hoặc gọi GV khi cần tư vấn. GV có thể linh hoạt bật tắt loa/mic ở từng nhóm để không gây nhiễu âm thanh cho các nhóm khác khi trao đổi riêng với 1 nhóm. HS phát huy vai trò chủ đạo trong việc tìm hiểu, giải quyết nhiệm vụ học tập.

Hoạt động 4: HS trình chiếu bài làm, các thành viên cùng tham gia thuyết trình. Các nhóm còn lại sẽ lắng nghe và bám sát tiêu chí đánh giá để nhận xét trên các phương diện Nội dung, Hình thức, Phong cách thuyết trình. Trong đó nhấn mạnh việc chỉ ra cả Ưu điểm và Hạn chế mang tính xây dựng, ghi nhận sự tiến bộ của HS so với chính mình.

Qua việc bám sát các tiêu chí khi giải quyết nhiệm vụ học tập hoặc khi nhận xét, học sinh sẽ được rèn luyện không chỉ kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng thuyết trình hấp dẫn mà còn chủ động khai thác, chia sẻ kiến thức cùng nhau, được chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân. GV đóng vai trò giống như MC kết nối các phần và gợi dẫn để việc kết nối hiệu quả hơn.

Trải nghiệm hoạt động học tập nhóm thông qua Breakout Room, học sinh Hoàng Vĩnh Thụy (lớp 9 Panther) chia sẻ: “Đối với con việc chia các Meet nhỏ cho các nhóm khá hữu dụng. Nó giúp con và các thành viên trong nhóm dễ dàng thảo luận với nhau. Làm việc nhóm cũng thêm phần hiệu quả hơn. Con nghĩ nên áp dụng việc chia Meet nhỏ này vào lớp học.”

Học sinh Bùi Lam Ngọc (lớp 9 Eagle) cũng bày tỏ suy nghĩ: Con cảm thấy việc thuyết trình nhóm và thảo luận trực tiếp trên một nhóm meet nhỏ là một cách học rất hay và hiệu quả. Việc dành thời gian trong tiết học để thảo luận trên meet giúp bọn con có thể làm việc năng suất và các thành viên trong nhóm cũng có ý thức tự làm, không để thành viên trong nhóm phải nhắc nhở rằng hãy làm phần của mình đi! Không những thế, khi cô giáo đặt câu hỏi cho các thành viên trong nhóm, điều đó sẽ giúp mọi người luôn tập trung vào công việc mình đang làm mà không bị xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài. Con rất thích cách học này.”

Với việc sử dụng Breakout Room kết hợp với những thiết kế trong hoạt động học tập nhằm hướng tới phát huy vai trò trung tâm của học sinh, tiết học online sẽ trở nên sinh động giống như HS đang tham gia lớp học trực tiếp cùng nhau. Ngoài ra, Breakout Room cũng rất phù hợp và hữu ích để nâng cao chất lượng của việc triển khai và thực hiện Online các dự án học tập yêu cầu cần chia nhỏ không gian hoạt động nhóm và GV có thể quản lý hiệu quả cùng lúc mức độ tham gia của các thành viên trong lớp học, tiếp cận và đánh giá tối đa về năng lực và thái độ của học sinh.

GV Nguyễn Thị Kiều Hoa