Rèn luyện kỹ năng sống tự lập cho trẻ Mầm Non - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Rèn luyện kỹ năng sống tự lập cho trẻ Mầm Non

  • Tin Mầm non
  • 14/01/2021

Có một câu nói rất hay về việc nuôi dạy con cái “Có nhiều cách làm hư con. Làm hư tinh thần bằng cách chiều chuộng quá mức; làm hư ý chí bằng cách chiều chuộng theo mọi ý thích, và làm hư trái tim nó bằng sự lo lắng phục vụ quá đáng.” Và cuộc điện thoại ngày hôm qua của phụ huynh cứ làm tôi băn khoăn  mãi trong lòng “ Cô ơi mấy hôm nay về mẹ hỏi cô có đánh răng ở lớp cho con không, con bảo không cô ạ, không biết con có nói đúng không ạ?”. Vâng, tất nhiên là học sinh của tôi nói đúng vì ở lớp cô không hề đánh răng cho con mà là con tự đánh và mọi kỹ năng vệ sinh cá nhân tự phục vụ bản thân của con đã được các cô hướng dẫn rất cụ thể thông qua hai tiết rèn kỹ năng mỗi tuần.

Nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc với giáo viên rằng “ Cô ơi, sao ở lớp con ngoan và tự lập thế mà về nhà con không bao giờ cất đồ chơi, đồ đạc thì vứt lung tung?”.

Đã gắn bó với các con từ lâu, bản thân cũng là mẹ của hai đứa trẻ. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Robert A Heinlein “Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”. Đây là câu nói hay về nuôi dạy con cái mà không phải cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được! Bởi vì, cha mẹ nào cũng yêu thương con và muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Sự bao bọc con mình quá kỹ, khiến trẻ không thích nghi được với môi trường xung quanh dẫn đến khả năng tự lập thấp. Vậy cần làm gì để các con tự lập?

 Trường mầm non Hanoi Academy luôn quan tâm để tìm ra phương pháp giáo dục khoa học, phù hợp để trẻ rèn luyện kỹ năng sống tự lập cho trẻ, cũng mong rằng các Quý phụ huynh sẽ cùng đồng hành với nhà trường để tạo cho các con một môi trường giáo dục tốt nhất! Sau đây là một số gợi ý cho việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ tại nhà.

1. Dạy con kỹ năng sống tự lập cơ bản trong cuộc sống

Hãy để con tự đưa ra những nguyên tắc hợp lý mà con muốn làm, dạy con tự lập sống dựa vào chính khả năng của mình từ khi còn nhỏ. Trẻ phải thành thục những kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi như:

– Kỹ năng tự chăm sóc bản thân: Trẻ nên biết tự dọn dẹp đồ chơi, tự thay quần áo, gấp quần áo, tự đánh răng, chải tóc, tự đi, tự ăn…( Để có một em bé tự lập, trước hết dạy cho em biết cách giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Hãy bắt đầu bằng việc tạo thói quen cho trẻ thông qua việc để trẻ quan sát những hành động ba mẹ làm. Ví dụ: Ba mẹ nên bỏ rác đúng nơi quy định, lau bàn khi đổ nước, cho quần áo bẩn vào máy giặt, dọn đồ sau khi bày ra nhà,… Theo đó, sau khi thấy ba mẹ làm vậy, trẻ rất dễ học theo và có thể tự mình làm mọi thứ.)

– Kỹ năng giữ gìn vệ sinh: Trẻ biết tự rửa tay, lau mặt.  Trẻ nên biết đi vệ sinh đúng nơi quy định, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định.

– Kỹ năng giúp đỡ người khác: Bố mẹ nên cho trẻ biết giúp đỡ người khác là một việc tốt và nên được thực hiện thường xuyên. Những công việc nhẹ, trẻ có thể giúp được như bật quạt, bật tivi (vị trí thấp), lấy bát ăn cơm, xách phụ đồ đạc, tưới cây…

2. Tạo môi trường gần gũi, an toàn để trẻ phát huy tính tự lập của bản thân

Một trong những bí quyết dạy con kỹ năng sống tự lập chính là tạo môi trường gần gũi, an toàn giúp con phát huy tính tự lập của bản thân. Bởi bất cứ đứa trẻ nào cũng có năng lực tự lập, chỉ cần ba mẹ khuyến khích và cho con cơ hội được thực hiện những điều con có thể. Và việc tạo môi trường gần gũi, an toàn cho trẻ chính là một trong những điều kiện giúp trẻ phát huy tính tự lập của mình.

Mọi sự quy định luôn đi cùng các nguyên tắc có kế hoạch và có tổ chức nhất. Và người lớn chính là người làm gương cho trẻ về vấn đề thực hiện nguyên tắc đó. Ví dụ bữa sáng sẽ ăn ở đâu, vào lúc nào, giày dép phải đặt ở đâu, quần áo phơi khô phải gấp gọn gàng hoặc treo lên như thế nào…, ba mẹ đều nên nói cho trẻ biết và hiểu. Qua đó, bản thân các bạn nhỏ sẽ ý thức được những công việc, hoạt động mà chúng có thể làm khi không có ba mẹ ở bên.

3. Cha mẹ phải kiên nhẫn khi con mình cố gắng tự lập

Cha mẹ cần phải kiên nhẫn khi dạy con. Ngoài việc rất khuyến khích cho con trẻ tự lập và tạo môi trường cho con rèn luyện kỹ năng sống, thì cha mẹ cũng chính là những người hay mất kiên nhẫn khi chờ đợi con thực hiện. Mặc dù khá khó khăn và mất thời gian nhưng khi con trẻ cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc cũng có thể là bắt chước người khác thì cha mẹ nên cố gắng kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa, không nên vì sốt ruột mà làm hộ trẻ.

Cha mẹ cần đầu tư thời gian và thái độ cho con, lắng nghe lời nói và hành động của con cũng là phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non biết cách xử lý và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
Maria Montessori nói: “ Đừng nói với trẻ làm như thế nào. Hãy cho trẻ thấy làm như thế nào và đừng nói gì cả. Nếu bạn nói với trẻ, trẻ sẽ nhìn môi bạn chuyển động. Nếu bạn chỉ cho trẻ thấy, trẻ sẽ muốn tự làm”

Hiệu quả của lời nói sẽ KHÔNG MẠNH bằng hành động. Hãy làm trước cho trẻ thấy, khi trẻ không hiểu chúng sẽ tự hỏi, như thế giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Việc giải thích quá cặn kẽ chỉ là thừa, bởi vì: Lời nói khiến trẻ phân tâm. Bé ghi nhớ hình ảnh và hành động tốt hơn lời nói. Ngôn ngữ của trẻ đơn giản hơn người lớn chúng ta. Do đó, trẻ có thể sẽ không hiểu những lời nói. Việc nói ít và làm nhiều sẽ hiệu quả hơn khi hướng dẫn con cái! Hành động khiến kích thích trí tò mò và học hỏi của trẻ!

4. Xây dựng bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình

Mỗi trẻ đều muốn thể hiện khả năng của mình, muốn chứng tỏ mình vì vậy cha mẹ cần phân công nhiệm vụ cho trẻ phù hợp với năng lực của trẻ. Ví dụ: Trẻ có thể giúp mẹ gấp quần áo, xếp đồ dùng, đồ chơi vào đúng nơi qui định, tự bỏ quần áo bẩn vào máy giặt …và các hành động này nên được khuyến khích lặp lại thường xuyên.

5. Giảm nhẹ yêu cầu, khuyến khích con trong suốt quá trình rèn luyện tính tự lập

Những đứa trẻ non nớt và rất dễ tổn thương. Vì vậy, người lớn nên hạn chế tối đa sự áp đặt và yêu cầu của bản thân đối với công việc trẻ làm. Đôi khi, dù vô tình nhưng những lời chê bai, những thái độ cau mày, nhăn mặt của ba mẹ khi con làm sai cũng đủ để khiến trẻ cảm thấy buồn rầu và chán nản. Thay vào đó, hãy khích lệ con bằng những lời động viên và ghi nhận thành quả con đạt được.

Việc tạo động lực cho con trong suốt quá trình làm việc không chỉ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, luôn biết cố gắng, nỗ lực để đạt được thành tựu mà còn hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, tổn thương ở trẻ.

Trẻ em có kỹ năng sống tự lập sẽ đạt được vô vàn lợi ích. Trẻ tự tin vào khả năng của bản thân, vui vẻ và hãnh diện vì bản thân làm được những điều như người lớn. Cha mẹ không cần quá nhiều thời gian chăm sóc và nâng niu trẻ. Ngoài những điều đó, trẻ có kỹ năng sống này còn có khả năng thích nghi tuyệt vời với mọi hoàn cảnh. “ Một em bé tự lập sẽ luôn trưởng thành, tự tin vào khả năng của bản thân, luôn vui vẻ và “tròn đầy” kỹ năng để hội nhập, kết nối toàn cầu. Các em sẽ là “trái ngọt” ba mẹ sẽ nhận được nếu biết cách ươm mầm và vun trồng”

Cô Lương Hồng Hạnh- Giáo viên mầm non