Màu sắc dân tộc qua lăng kính học sinh Hanoi Academy - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Màu sắc dân tộc qua lăng kính học sinh Hanoi Academy

  • Tin Trung học
  • 21/04/2017

Thay vì những buổi học ở trên lớp,  học sinh khối 11 chúng tôi vừa có chuyến đi học thực tế tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cực kỳ bổ ích với nhiều khám phá thú vị. Có thể nhiều người trong chúng tôi đã từng tham quan Bảo tàng dân tộc, nhưng chuyến đi lần này thật khác. Chúng tôi được chia thành từng nhóm, được phân nhiệm vụ trong vai trò hướng dẫn viên để tìm hiểu, giới thiệu về các chủ đề khác nhau: dân tộc Hà Nhì, dân tộc H’Mông, dân tộc Ê- đê và dân tộc Bana theo 3 phần: Giới thiệu nhà sàn – hiện vật – thử thách múa rối nước.

Ngay khi đến Bảo tàng dân tộc, các nhóm đã chủ động chia thành nhiều hướng, ai ai cũng chăm chú tìm hiểu về chủ đề của nhóm mình. Nào là nhà sàn với các phong tục thú vị trong sinh hoạt hàng ngày, nào là các hiện vật được trưng bày mà chúng tôi bây giờ mới được tận mắt nhìn và tìm hiểu sâu về nó. Mặc dù đã tham quan Bảo tàng Dân tộc học rất nhiều lần nhưng không khí lần này rất khác, vừa căng thẳng cho bài thuyết trình của nhóm vừa bị cuốn hút vào những dòng giới thiệu được đính trên tường. Trước ngày xuất phát, các cô đã nhắc nhở rằng mỗi nhóm nên tìm hiểu thông tin trước trên mạng, trên tay ai cũng một tờ giấy để ghi chép nhanh những thông tin cần thiết, có bạn cẩn thận hơn đã in hẳn ra nhìn rất chuyên nghiệp. Nhưng không hẳn mọi thông tin trên mạng đều đúng nên nhờ chuyến đi này, chúng tôi đã có dịp học hỏi nhiều hơn từ thực tế cũng như từ chính những người bạn của mình.

Có thể mọi ngày các bạn sẽ chậm trễ giờ giấc nhưng ngày hôm đó, khối 11 đã làm các cô ấn tượng khi tất cả các nhóm đều nhanh chóng tập trung để theo kịp chương trình. Rồi các nhóm lần lượt dẫn đoàn đến với những ngôi nhà với kiến trúc độc đáo của từng dân tộc. Mỗi dân tộc lại mang một bản sắc riêng từ nhà sàn đến trang phục, văn hóa… Đến với nhóm Hà Nhì, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng đời sống luôn gắn kết với thiên nhiên của dân tộc này. Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, người Hà Nhì đã chọn cách xây nhà trình tường với mái lợp cỏ. Khi nhìn từ xa, những ngôi nhà nhỏ bé ấy được ví như những cây nấm nằm bên sườn núi. Mặc dù, bảo tàng không trưng bày đầy đủ trang phục của người Hà Nhì nhưng qua tìm hiểu, nhóm đã phổ biến sự khác nhau giữa trang phục truyền thống của người Hà Nhì Hoa ( Điện Biên) và Hà Nhì đen (Lai Châu).

Nhà và trang phục truyền thống của người Hà Nhì

Tiếp đến là dân tộc Bana, căn nhà 19m khiến ai cũng phải trầm trồ. Nhóm thuyết trình đã giải thích rằng đó là nhà cộng đồng – nơi tập trung, tụ họp của cả bản làng nên nhà càng to càng chứng tỏ sức mạnh và giàu có của họ. Nhìn chiếc cầu thang cao chót vót, ai cũng muốn thử sức mình để tiến vào bên trong căn nhà nhưng khi đi xuống, chúng tôi mới nhận ra để bước xuống thang ấy, cần sự can đảm, khéo léo của tay chân nếu không bạn có thể trượt tay và ngã. Khi nhìn căn nhà cao như vậy, ai trong chúng tôi đều đặt câu hỏi: “Bằng cách nào mà người dân lại có thể dùng vật dụng thô sơ để xây lên như vậy?” hay “Cách lợp mái như vậy liệu có thể chống trọi với thiên nhiên vào mùa mưa bão?”

Nhà Rông của người Bana

Ngay khi tiếp quản vị trí thuyết trình, nhóm tiếp theo đã dẫn các bạn đến với căn nhà dài của người Ê-đê. Nếu như nhóm Bana làm chúng tôi bất ngờ trước chiều cao của ngôi nhà thì nhà sàn của người Ê đê còn khiến chúng tôi trầm trồ với chiều dài 42,5m. Nhà của người dân nơi đây mang nét đặc trưng rất riêng so với các dân tộc khác ở vùng đất Tây Nguyên, đây là nhà ở của gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ tức cả gia đình theo họ của mẹ. Nhóm thuyết trình cho biết nếu gia đình càng đông thì căn nhà càng dài và đã từng có gia tộc sở hữu căn nhà dài đến 200m. Tất nhiên với chiều dài đáng nể như vậy, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi “Bằng cách nào mà họ có thể xây một ngôi nhà chắc chắn cho hơn 20 người ở với những vật liệu đơn giản xung quanh nơi sinh sống?”

Nhà dài của người Ê-đê

Và cuối cùng nhóm đã gây ấn tượng lớn đối với đoàn chúng tôi chính là nhóm dân tộc H’Mông bởi sự phối hợp ăn ý của từng thành viên trong nhóm với lối thuyết trình sáng tạo. Ngay từ đầu phần giới thiệu, các bạn đã cho chúng tôi thấy sự đầu tư khi dùng bộ đàm và mic để thuyết trình cũng như sự khác biệt khi đóng vai thành biên tập viên của đài truyền hình HATV (Hanoi Academy TV). Nhà của người H’Mong rộng và có nhiều thành phần hơn người Hà Nhì. Bên cạnh nhà dành cho người ở thì họ còn làm chuồng cho gia súc (ngựa) được xây và thiết kế rất tỉ mỉ. Ngoài ra, khuôn viên nhà dân tộc người H’Mông phong phú hơn các dân tộc khác vì họ còn xây thêm lò rèn để đúc kim loại và cối xay ngô để duy trì những ngành nghề truyền thống nơi đây. Giống như bao dân tộc khác với những ngành nghề mang nét văn hóa riêng, nghề rèn của người H’Mông đòi hỏi sự khéo léo và tài hoa của đôi bàn tay con người để sản xuất công cụ sản xuất – lao động với những sản phẩm được nhiều người biết đến như dao, cày, cuốc,…

Nha của người H’mong

Chính vì sự đặc biệt của gian nhà mà nhóm H’Mông đã khiến người nghe tò mò và gây ấn tượng lớn đối với tôi. So với các kiểu nhà của dân tộc khác, nhà của người H’Mông được thiết kế nhỏ và thấp. Chúng tôi đã đặt câu hỏi lý giải về chiều cao của ngôi nhà và đó là vì từ xưa, người Mông đều khá thấp và có truyền thống kết hôn gần dòng máu ( anh em họ lấy nhau) nên việc xây ngôi nhà phù hợp với chiều cao của họ. Nhưng qua tìm hiểu, việc xây nhà thấp bé không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chiều cao mà còn được quyết định bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Sống trên núi cao, ảnh hưởng của không khí lạnh về mùa đông nên người Mông đã xây nhà thấp tránh sự thoát nhiệt và hút gió.

Mặc dù bài thuyết trình mạch lạc và rõ ràng nhưng việc mọi người đặt ra câu hỏi là điều không thể tránh khỏi. Do cấu trúc nhà độc đáo nên nhóm đã nhận được khá nhiều phản hồi từ chính các bạn và người hướng dẫn viên của bảo tàng. Các câu hỏi đều xoay quanh cấu trúc nhà và có một số câu nhóm đã cần đến hướng dẫn viên để đính chính.

“Tại sao nhà của người H’Mông lại không có cửa sổ?”

Nhà cửa người Mông luôn xây từ 2 cửa sổ trở lên nhưng thường xuyên đóng cửa do điều kiện tự nhiên trên núi rất khắc nghiệt và lạnh vào mùa đông nên người H’Mông luôn đóng để hạn chế không khí lạnh vào nhà. Hơn nữa, bình thường họ cũng đóng 2 cửa chính – phụ và chỉ mở ra khi cần thiết.

“Các bạn cũng đã nói khá kĩ về cánh cửa phụ là để đành riêng cho người chết. Liệu các bạn có thể giải thích thêm được không?”

Mặc dù thông tin trên mạng đã nói khá kỹ về chức năng về chức năng của cánh cửa phụ là nơi để đưa đồ dùng của người chết vào nhà lúc đám tang. Ngược lại, hướng dẫn viên đã đính chính lại rằng không có cửa cho người chết và người trong gia đình thường dùng cửa phụ để đi lại nhiều hơn cửa chính.

Các nhóm đã thể hiện rất tốt phần thuyết trình về chủ đề riêng của mình và tiếp theo là thử thách múa rối nước. Trước tiên, đoàn chúng tôi được chứng kiến nghệ nhân trình diễn màn kịch múa rối nước. Là người Việt Nam, tôi đã từng xem rất nhiều vở kịch múa rối nước và thấy người nước ngoài thích thú với môn nghệ thuật đặc sắc này nhưng chưa bao giờ, tôi hay các bạn được chạm tay và điều khiển những con rối dưới nước. Chúng tôi lần lượt truyền tay nhau những con rối với hình thù hết sức quen thuộc đối với người dân Việt Nam như con trâu, con rùa, con rồng, con phượng…. Khi được nắm lấy thanh tre, tôi rất bất ngờ với sức nặng của nó và cảm thấy mỏi tay chỉ sau vài phút. Ngày hôm đó, bác nghệ nhân đã bật mí cho chúng tôi bí quyết để điểu khiển những con rối: Phải vòng tay theo hình số 8 thì con rối mới có thể di chuyển được, tay sau phải thấp để cây điều khiển rối chìm xuống dưới nước…. Các bác đã hướng dẫn từng bạn, chỉ dẫn chúng tôi tỉ mỉ để chuẩn bị cho phần thi tiếp theo.

Tập múa rối nước

Bất ngờ, trời đổ mưa trong lúc chúng tôi đang tập điều khiển con rối. Nhưng không vì lý do đó mà các bạn đã bỏ lỡ trải nghiệm được trình diễn một đoạn kịch múa rối nước. Chắc có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, các bạn được mặc trang phục, xuống sân đình biểu diễn múa rối nước như một nghệ nhân thực sự. Để con rối nổi đã là một khó khăn nhưng để nó di chuyển nhịp nhàng trên mặt nước thật là thử thách đối với chúng tôi. Các bác đánh giá cao tinh thần cố gắng của các bạn nhưng đây là môn nghệ thuật rất khó để thành thạo và cần có thêm thời gian để học tập. Nếu không ngờ chuyến đi này, có thể chúng tôi sẽ không thể hiểu được sự khéo léo của các nghệ nhân khi điều khiển con rối một cách điêu luyện như vậy.

Biểu diễn múa rối nước

Như mọi hành trình khác, khi điểm số đã được điền vào giấy chấm chúng tôi đã lên xe ra về trường. Nhưng đối với tôi, lúc đó điểm số không quan trọng trong khi những gì chúng tôi đạt được trong chuyến đi này còn đáng nhớ hơn. Có thể tôi đã đặt chân đến Bảo tàng dân tộc học rất nhiều lần hoặc thậm chí, tận mắt trông thấy những căn nhà tựa núi của người dân bản địa nhưng vẫn còn nhiều điều mà chúng tôi chưa biết. Có thể một vài bạn đã xem múa rối nước trên tivi nhưng để tự tay cầm, điều khiển con rối và biểu diễn múa rối nước thì chưa ai từng trải. Qua chuyến đi này, chúng tôi đã học được rất nhiều điều và quan trọng hơn, chúng tôi đã trở nên đoàn kết hơn để cùng nhau cố gắng vì tập thể. Chúng tôi đã rất tự hào khi những người khách du lịch khi đến tham quan tại bảo tàng, nhìn thấy chúng tôi giới thiệu, thuyết trình họ đã hỏi: Các cháu là sinh viên của đại học văn hóa à?

Học sinh khối 11 đi học thực tế tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Phạm Trần Yến Nhi –  Lớp 11A2

Xem thêm thông tin: tại đây