Bé làm khoa học từ góc bếp của mẹ - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Bé làm khoa học từ góc bếp của mẹ

  • Tin Mầm non
  • 22/11/2017

Từ những nguyên vật liệu có sẵn trong căn bếp của gia đình, bé sẽ tạo được những thí nghiệm khoa học vui, thú vị sẽ giúp các bậc cha mẹ vừa chơi đùa thỏa thích với con, vừa giúp con khám phá nhiều điều hấp dẫn, bí mật của khoa học. Nào hãy cùng con khám phá bố mẹ nhé!

THÍ NGHIỆM 1: CHIẾC CỐC CẦU VỒNG (HOW TO MAKE A RAINBOW CUP?)

1. Bé cần chuẩn bị gì?

  • Đường kính trắng.
  • Nước lọc.
  • Màu thực phẩm hoặc màu nước (5 màu khác nhau).
  • 5 chiếc cốc (hoặc bát) được đánh số thứ tự từ 1 đến 5.
  • Ống hút (có thể sử dụng pipet bằng nhựa hoặc lọ nước nhỏ mắt đã sử dụng)
  • Thìa hoặc chén loại nhỏ dùng để đong đường.
  • Một cốc thủy tinh hoặc ly cao cổ.

2. Bé làm thế nào?

  • Bước 1: Cho 1 thìa đường vào cốc thứ nhất, 2 thìa đường vào cốc thứ hai, 3 thìa  đường vào cốc thứ ba, 4 thìa đường vào cốc thứ tư, 5 thìa  đường vào cốc thứ 5 (nên dùng loại chén nhỏ các bé đong sẽ chính xác hơn)

  • Bước 2: Cho 1 lượng nước bằng nhau vào mỗi cốc, các bé hãy dùng cốc để đong chính xác lượng nước nhé!

  • Bước 3: Cho màu thực phẩm vào trong mỗi cốc và khuấy tan đường trong mỗi cốc.

  • Bước 4: Cuối cùng bé dùng ống hút, hút nước ở cốc thứ 5 cho vào cốc trước, sau đó đến cốc thứ 4, tiếp đến là cốc số 3, cốc số 2 và cuối cùng là cốc số 1, các bé nhớ nhỏ nước vào thành cốc để các màu nước chảy xuống từ từ và không trộn lẫn vào nhau nhé!

3. Bé thấy gì?

  • Các bé có một cốc nước đầy màu sắc.
  • Các màu không bị trộn lẫn vào nhau tạo thành một dải cầu vồng rất đẹp

4. Tại sao vậy nhỉ?

  • Các bé có biết vì sao các màu lại không bị trộn lẫn vào nhau không? Đó chính là do sự khác nhau ở lượng đường trong từng cốc đấy. Cốc thứ 5 ta cho 5 thìa đường nên có nhiều đường nhất và nặng nhất do đó nó sẽ ở dưới, tiếp đến là cốc thứ 4, thứ 3, thứ 2 và cuối cùng là cốc số 1 có lượng đường ít nhất nên sẽ ở trên cùng. Và chính nguyên liệu đường đã làm cho tỉ khối giữa các cốc khác nhau. Sự khác biệt về tỉ khối này đã tạo ra một dải “cầu vồng” đầy màu sắc đấy.

THÍ NGHIỆM 2: PHÁO HOA TRONG NƯỚC (FIREWORK UNDER THE WATER)

1. Bé cần chuẩn bị gì?

  • Dầu ăn.
  • Nước lọc.
  • Các màu thực phẩm.
  • Một bình thủy tinh hoặc cốc thủy tinh to.

2. Bé làm thế nào?

  • Bước 1: Đổ nước lọc vào trong bình hoặc cốc thủy tinh.

  • Bước 2: Đổ tiếp dầu ăn vào trong bình hoặc cốc thủy tinh.

  • Bước 3: Nhỏ từ từ từng giọt màu thực phẩm vào trong bình.

 

3. Bé thấy gì?

  • Các hạt phẩm màu sẽ từ từ tan xuống nước tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp giống như pháo hoa vậy.

4. Tại sao vậy nhỉ?

  • Bởi dầu nhẹ hơn nước, vì thế dầu sẽ nổi ở trên bề mặt nước, trong khi các giọt phẩm màu lại nặng hơn dầu nên sẽ chìm xuống dưới. Khi những giọt phẩm màu chìm vào trong nước, chúng sẽ bắt đầu hòa tan vào nước (trông gần giống như một vụ nổ nhỏ) nên chúng ta mới có phản ứng những tia màu bắn ra như pháo hoa vậy đó.

THÍ NGHIỆM 3: NÚI LỬA PHUN TRÀO (LAVA LAMP)

1. Bé cần chuẩn bị gì?

  • Dầu ăn
  • Nước lọc
  • Màu thực phẩm
  • Viên sủi (viên C sủi, viên sủi canxi hoặc các loại viên sủi khác)
  • Bình thủy tinh hoặc cốc thủy tinh cao cổ

2. Bé làm như thế nào?

  • Bước 1: Đổ nước vào trong bình thủy tinh

  • Bước 2: Đổ dầu tiếp vào bình (lượng dầu gấp 5 đến 6 lần lượng nước)

  • Bước 3: Nhỏ tiếp màu thực phẩm vào trong bình, lưu ý chỉ sử dụng 1 màu thôi nhé, các bé có thể sử dụng màu đỏ hoặc màu cam để giống nham thạch.

  • Bước 4: Bỏ tiếp viên sủi vào trong bình.

3. Bé thấy gì?

  • Màu thực phẩm sẽ lắng xuống dưới đáy và hòa tan với nước khi ta cho viên sủi vào. Màu thực phẩm đã hòa tan trong nước sẽ phun trào lên giống như núi lửa đang phun trào cho đến khi nào tan hết viên sủi.

4. Tại sao vậy nhỉ?

  • Phẩm màu dưới đáy chai khi ta bỏ viên sủi vào sẽ di chuyển lên trên phần dầu ăn. Tuy nhiên, khi viên sủi tan hết, phẩm màu lại chìm xuống dưới, tạo thành dòng màu di chuyển vô cùng đẹp mắt.

THÍ NGHIỆM 4: SỰ KỲ DIỆU CỦA CHẤT TẨY RỬA

(MIRACLE ABOUT DEGREASANT)

1. Bé cần chuẩn bị gì?

  • Dầu ăn
  • Nước rửa chén
  • Nước
  • Một chiếc cốc

2. Bé làm như thế nào?

  • Bước 1: Đổ dầu ăn vào cốc nước.

  • Bước 2: Đổ tiếp nước rửa chén vào trong cốc.

  • Khuấy hoặc lắc nhẹ.

3. Bé thấy gì?

  • Lúc đầu dầu ăn nổi lên trên mặt nước.
  • Khi cho tiếp nước rửa chén vào thì dầu ăn sẽ bị hòa tan vào nước.
Bé làm khoa học từ góc bếp của mẹ

Bé làm khoa học từ góc bếp của mẹ

4. Tại sao vậy nhỉ?

  • Do khối lượng riêng của dầu ăn nhẹ hơn nước rất nhiều nên khi cho dầu ăn vào nước thì dầu ăn sẽ nổi lên trên bề mặt nước.
  • Nước rửa chén có vài trò trung gian giúp cho các hạt dầu ăn có thể hòa tan vào trong môi trường nước.

Khi nói đến khoa học, có thể chúng ta sẽ nghĩ đến những gì cao siêu, những phát minh vĩ đại, nhưng bản chất của khoa học là tìm hiểu tất cả những gì thuộc về cuộc sống. Nó chính là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động sống hàng ngày. Khi làm thí nghiệm khoa học, các con không chỉ được tiếp nhận kiến thức mà còn được học cách tìm hiểu về khoa học và hình thành phản xạ tư duy. Vì thế, khi có thời gian, bố mẹ hãy chơi đùa với con bằng những thí nghiệm khoa học vui, thú vị. Hãy giúp các con khám phá thêm thật nhiều điều hấp dẫn, bí mật bố mẹ nhé!

Nguyễn Phương Oanh – Giáo viên Mầm non

Xem thêm thông tin: tại đây