Đổi mới PPDH Ngữ Văn 8 - Nhà khoa học xã hội tập sự - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Đổi mới PPDH Ngữ Văn 8 – Nhà khoa học xã hội tập sự

  • Cuộc sống học đường
  • 04/01/2022

Nhắc đến “Báo cáo khoa học”, chúng ta nghĩ đến ngay những nhà nghiên cứu hoặc những anh chị sinh viên, những nghiên cứu sinh,… Hoặc những báo cáo thuộc ngành khoa học tự nhiên. Nhưng thực tế, báo cáo khoa học được thực hiện ở tất cả bộ môn, tất cả mọi ngành, trong đó có cả các môn thuộc khoa học xã hội. Và, không chỉ riêng các anh chị sinh viên, các nghiên cứu sinh, mà học sinh Hanoi Academy cũng được tập làm báo cáo khoa học nhé! Cùng biết tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết dưới đây!

Từ thực tiễn học tập và giảng dạy

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên sao được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…” (Thanh Tịnh, Tôi đi học). Hẳn rằng khi đọc những dòng này, chúng ta đều cảm thấy quen thuộc vì nó gắn liền với tuổi thơ của chúng ta – ngày còn cắp sách tới trường. “Tôi đi học” của Thanh Tịnh là một tác phẩm hay, nhưng để giảng dạy cho các con học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của những kỉ niệm ngày tựu trường, cũng như cảm nhận được “chất thơ” của văn bản là một bài toán khó.

Vậy, tiếp cận từ căn nguyên của “chất thơ” đó thì thế nào?

Vậy là ý tưởng “Nhà khoa học tập sự” ra đời. Thay vì tổ chức tiết học thông thường, các con được tìm hiểu các vấn đề: thế nào là báo cáo khoa học, báo cáo khoa học xã hội có đặc trưng gì, làm thế nào để thực hiện báo cáo khoa học với một tác phẩm văn chương? Đây là cơ sở lý thuyết để các con bắt tay vào thực hiện khảo sát và báo cáo khoa học.

Báo cáo khoa học là công việc khó, thường khi đến bậc cao đẳng, đại học các con mới bắt đầu thực hiện. Những ngày đầu, tất nhiên không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng các con Hanoi Academy lại được làm quen từ rất sớm – ngay từ những năm học Trung học cơ sở, có thể giúp các con xóa đi những bỡ ngỡ ấy ở năm tháng sau này – khi các con học ở bậc học cao hơn.

Đến thực hành…

Các con được hướng dẫn tỉ mỉ về lý thuyết cùng hệ thống chỉ dẫn để thực hiện báo cáo. Để giải mã mối quan hệ giữa hệ thống từ láy và “chất thơ” của văn bản, các con cần đi tìm câu trả lời của những vấn đề. Dưới đây là hướng dẫn “đi tìm kho báu”.

Với những chỉ dẫn như vậy, các con hoàn toàn có thể thực hiện được việc khảo sát hệ thống từ láy, từ đó hiểu được bản chất vấn đề: điều gì làm nên “chất thơ” của văn bản cũng như làm thế nào để sử dụng từ láy hiệu quả.

Và kết quả đáng kinh ngạc…!

Giáo viên đã nhận được bài của tất cả các thành viên, trong đó có một số bài đạt chất lượng tốt, tiêu biểu là bài của học sinh Nguyễn Hiền Minh lớp 8Whale. Dưới đây là kết quả khảo sát của con – một kết quả khiến cô bất ngờ. Đây chỉ là bước đầu cho hành trình học – hành, gắn lý thuyết với thực tiễn. Chúc các con có những bước đi vững vàng trong tương lai!

Báo cáo khoa học

Giáo viên hướng dẫn: Cô Nguyễn Bích Nguyệt

Người thực hiện: Nguyễn Hiền Minh

I. Lý do thực hiện đề tài

  • Thực hiện đề tài này giúp chúng ta biết thêm được nhiều từ láy, biết được tác dụng cũng như ý nghĩa của nó khi tả những cảm xúc đa dạng của con người.
  • Đề tài cũng giải quyết các vấn đề trong việc tìm hiểu văn bản: cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường; giá trị biểu cảm và giọng điệu của văn bản; đặc trưng lối viết của Thanh Tịnh trong thể loại truyện ngắn  (giàu chất thơ, giọng điệu nhẹ nhàng, êm dịu, dễ đi vào lòng người).
  • Qua đó ta học được cách sử dụng từ láy hiệu quả hơn.

II. Nội dung

1. Khảo sát hệ thống từ láy

Từ láy là từ được cấu tạo từ hai tiếng, được tạo nên bởi các tiếng giống nhau về âm, về vần hoặc cả âm và vần. Trong đó có thể có 1 tiếng có nghĩa hoặc tất cả các tiếng đều không có nghĩa, khi đó 2 từ được ghép với nhau tạo nên một từ có nghĩa.

Trong các văn bản văn học, các tác phẩm thơ ca, từ láy có tác dụng để miêu tả hình dạng, nhấn mạnh đặc điểm của tâm lý, tình trạng, tinh thần, tâm trạng… của con người, các hiện tượng, sự vật trong cuộc sống. Qua việc đọc văn bản “Tôi đi học”, chúng tôi nhận thấy  tác giả sử dụng rất nhiều từ láy. Đây là hiện tượng đặc biệt vì không phải tác phẩm nào cũng vậy.

Bảng số liệu từ láy:

Qua bảng hệ thống từ láy, ta thấy tỉ lệ từ láy trong văn bản chiếm khoảng 3% so với tổng số từ trong văn bản. Đây là con số đáng chú ý.

Hãy cùng khám phá tác dụng của hệ thống từ láy này nhé!

2. Tác dụng của hệ thống từ láy

Phần lớn từ láy được sử dụng để diễn tả cảm xúc của nhân vật “tôi” trong tác phẩm “Tôi đi học”.

Đầu tiên là nhóm từ láy hoàn toàn. “Run run” đây là từ láy hoàn toàn đầu tiên trong chiếc tác phẩm này. Với hoàn cảnh của nhân vật chính lúc ấy, chiếc từ láy này được sử dụng để nói về cảm xúc ngày đầu tiên cậu đến trường. Cũng như bao người khác, nhân vật chính cũng run run. Cách sử dụng từ của cây bút này khiến độc giả thêm hứng thú cũng như tạo cảm giác thân quen làm ùa về những kí ức ngày đầu tiên đi học. “Vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới  hiên lớp”.Với chiếc từ láy “từ từ” ở đây có nghĩa là đã có vài cậu dám từ bỏ sự rụt rè của mình vào buổi đầu tới trường để bước lên đứng dưới hiên lớp. Thể hiện sự can đảm, tự tin của học sinh vào ngày đầu còn bỡ ngỡ. Cuối cùng là từ láy rất quen thuộc, chắc hẳn ai cũng biết đến “hay hay”, đây là một từ khá phổ biến trong giao tiếp với ý nghĩa rằng ta đang chỉ một thứ gì đó hay ho. Trong chiếc tác phẩm này của nhà văn đa tài này cũng vậy, với ý nghĩa hay hay, là lạ với những thứ ngày đầu tới trường.

Ngoài những từ ta đã quá quen như rụt rè, tưng bừng, nhí nhảnh, sung sướng, sạch sẽ, dịu dàng, chăm chỉ, xinh xắn thì Thanh Tịnh mang thêm cho ta những từ láy không hẳn phổ biến như lưng lẻo, dềnh dàng, vẩn vơ, quang đãng hay nao nức, mơn man, bàng bạc. Giúp độc giả thêm hiểu biết cũng như hiểu rõ hơn về cảm xúc của nhân vật chính.

Những từ láy phong phú mà tác giả dùng cho văn bản ấy tạo ra cho độc giả cảm giác gần gũi và cảm nhận được nhân vật “tôi” có sự hồn nhiên ngây thơ như những đứa trẻ khác. Ngoài ra, nó còn giúp sự vật thêm sinh động, phong phú và thân quen hơn. Nó được thể hiện rõ khi Thanh Tịnh tả những em nhỏ bỡ ngỡ, rụt rè khi tới trường ngày đầu tiên khiến người đọc cảm nhận được cũng như độc giả cũng được ùa về lại những kỉ niệm về ngày đầu tiên tới trường của mình. Việc sử dụng nhiều từ láy trong văn bản cũng khiến các độc giả hiểu hơn về tâm lý trẻ con vào những ngày đầu đi học cũng như là hiểu cảm xúc của nhân vật chính hơn. Tác giả rất tinh tế khi dùng những từ láy nhẹ nhàng tạo ra cảm giác tự nhiên, phù hợp với tâm hồn của những đứa trẻ hơn.

Và chính những từ láy dịu dàng, nhẹ nhàng ấy như thể tạo ra những bản ca trữ tình êm tai khiến các độc giả ngày càng cuốn vào câu chuyện một cách dịu dàng nhất, không bị quá áp đặt. Câu văn “lòng tôi lại tưng bừng rộn rã” ý nói trong lòng nhân vật chính đang rất nóng lòng cũng như háo hức trộn lẫn một chút vui vẻ của ngày đầu tới trường được nói đến một cách rất nhẹ nhàng. Với câu văn “tôi bất giác dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc theo” cũng có thể ý là 2 cảm xúc được trộn lẫn một cách dịu dàng nhất. Bởi vậy, văn bản “Tôi đi học” của nhà văn đa tài Thanh Tịnh rất êm dịu, ý nghĩa  khiến ta được nhớ lại kỉ niệm ngày đầu đi học.

3. Kết luận

Qua việc khảo sát hệ thống từ láy, chúng ta hiểu những cung bậc, trạng thái cảm xúc của nhân vật “tôi” trong ngày đầu tiên đến trường. Từ đó, ta có thể học hỏi cách tác giả sử dụng từ láy, vận dụng vào diễn đạt trong văn nói và văn viết.

Cô Nguyễn Bích Nguyệt