Hành trình ngược thời gian - Hanoi Academy

Tin tức - Sự kiện

Hành trình ngược thời gian

  • Tin Trung học
  • 26/08/2016

   Bây giờ là 11 giờ đêm, sự kiện Hành trình ngược thời gian của các con kết thúc cách đây một tiếng nhưng ngay lập tức cô tự nhủ phải ghi lại giây phút này bởi đó là giây phút của những trải nghiệm thật quý giá, một cảm xúc thật khó tả khi được là người đồng hành cùng các con. Chương trình có tên gọi “The journey back to the history” tạm hiểu là hành trình trở về với quá khứ. Hai tuần, trên hành trình ngược về với cội nguồn, các con đã tìm hiểu về dòng họ mình, về những người đã sinh thành và những mối quan hệ họ hàng qua phần xây dựng sơ đồ phả hệ (family tree). Nhiều con đã tìm tới sự giúp đỡ của ông bà, bố mẹ, sự giúp đỡ của những cuốn gia phả để lật lại lịch sử gia đình và từ đây các con biết mình có những cô dì chú bác, anh chị em lân cận mà trước đó mình không hề biết tới.

   Kết thúc chặng thứ nhất trong Hành trình ngược thời gian, các con tìm hiểu về người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong gia đình mình. Phần thuyết trình tại bữa tiệc Family Party tối nay khiến nhiều bố mẹ không dấu được sự xúc động, có những cái ôm chặt của mẹ và con, của bà cháu mà cô bất ngờ quá đến độ không kịp lưu giữ lại tấm hình cho khoảnh khắc đó. Tìm hiểu về người có tầm ảnh hưởng nhất với bản thân, các con trả lời cho các câu hỏi:

  • Ai là người có tầm ảnh hưởng nhất đến con?
  • Câu chuyện của người ấy là gì?
  • Điều gì đã xảy ra khi người ấy bằng tuổi con?
  • Người ấy đã tạo ra sự khác biệt như thế nào?
  • Tại sao người ấy cần phải được nhớ đến?…

 

   Với Mỹ Hạnh- Quỳnh Ngân đó là bà ngoại, với Long Hải là bà nội, với Linh Chi- Anh Đức là bố, với Diệu Trang- Tâm Như là mẹ, với Minh Trang là em, với Phi Vũ- Phương Anh là chị gái… Mỗi bài thuyết trình là sự tìm hiểu sâu sắc về quá khứ về những câu chuyện xoay xung quanh cuộc đời của các nhân vật và đặc biệt các con đã biết so sánh giữa quá khứ với hiện tại để biết trân trọng và nâng niu những gì mình đang có. Cô là một trong ba vị giám khảo, đã từng dự nhiều, nghe nhiều nhưng thực sự, cô bị bất ngờ bởi những gì các con mang lại trong bữa tiệc ngày hôm nay. Đặc biệt là Phúc, có lẽ với con, đây là lần đầu con khóc khi nói lời xin lỗi với mẹ sau bài thuyết trình của mình. Khán phòng như lặng đi và phía dưới nhiều người mẹ cũng không cầm được sự xúc động.

   Diệu Trang tự hào khi thuyết trình về mẹ- người có ảnh hưởng nhất với con: “Tuy khi trẻ không có nhiều tiền, nhưng mẹ đã tận dụng những gì mình có với đôi bàn tay khéo léo của mình. Mặc dù tuổi thơ khó khăn nhưng mẹ vẫn tận hưởng cuộc sống, ghi lại những hình ảnh, kỉ niệm đẹp với tài năng hội họa của mình”.

   Hạ Vy kể về câu chuyện Hành trình ngược thời gian của bố: “Tôi rất yêu bố tôi. Bố là người chăm chỉ, cần cù. Luôn muốn sáng tác, phát minh ra một thứ gì đó mới mẻ. Là người anh cả tuyệt vời. Là người đã dạy em rằng nếu đầu tàu mà đi đúng đường thì các toa tàu sau cũng sẽ đi theo, cũng giống như em, em là chị cả ở trong nhà nên phải biết làm việc đúng để các em ở sau noi gương theo. Khi bố bằng tuổi tôi bố phải làm các công việc: dọn dẹp, làm việc thêm sau giờ. Bố tới trường bằng cách đi bộ (do lúc đấy nghèo khó), trường thì xa nhà. Thời của bố tôi nhà cửa thưa thớt, nghe tin qua radio, thức ăn lúc bấy giờ: một chút gạo, rau muống với chút nước mắm”.

Minh Châu kể lại những khốn khó thời của bà ngoại khi bà bằng tuổi của mình bằng việc so sánh:

TRƯỚC ĐÂY BÂY GIỜ
Mỗi người được quy định lượng thức ăn nhất định Ai cũng có thể được ăn lượng thức ăn tùy muốn
Được cung cấp ít tiền,mua đồ bằng tem phiếu ở các quầy bán mậu dịch kinh doanh Mỗi nghề nghiệp được trả nhiều tiền hơn, mua đồ bằng tiền mặt
Thường đi lại bằng xe đạp hoặc tàu hỏa Có phương tiện giao thông hơn như xe hơi, xe máy,máy bay,..
Thiếu thốn,không có đủ vải để may quần áo ấm Rất nhiều chất liệu khác nhau để may quần áo
Cuộc sống khổ cực, thiếu thốn Cuộc sống đầy đủ, hiện đại

   Còn Ngọc Nhi- một cô bé mạnh mẽ, cá tính song giàu tình cảm đã kể câu chuyện về mẹ của mình mà cô xúc động quá: “Mẹ tôi vẫn luôn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong gia đình. Mẹ lo lắng cho anh chị em tôi, vậy mà mẹ cũng còn phải làm việc nhà, bao công giặt giũ, nấu ăn của mẹ, tôi không biết phải trả sao cho đủ. Có lần, tôi hỏi mẹ rằng sao mẹ không thuê người giúp việc cho đỡ nhọc, mẹ đã trả lời rằng:

– Mẹ muốn chính đôi tay này nuôi con khôn lớn!

Cũng vào những ngày tôi ốm, mẹ chăm sóc tôi ân cần, làm tôi chỉ muốn ốm mãi để được mẹ tiếp tục ở bên. Nghe có vẻ nực cười, nhưng với bao nhiêu công việc hằng ngày, lâu lắm rồi mẹ chưa ôm chặt lấy tôi, chưa hôn tôi lên trán. Một ngày, tôi hỏi mẹ rằng:

– Mẹ à, về sau nếu trong sự nghiệp mà con bay xa, mẹ có hạnh phúc không?

Mẹ trả lời tôi rằng:

– Mẹ không cần biết con bay tới đâu, mẹ chỉ lo rằng, suốt chuyến bay ấy có cảm thấy mệt không thôi!

Mẹ tạo nên sự khác biệt: Nếu như thời đại này thể hiện lên rằng đàn ông là trụ cột gia đình, mẹ dạy tôi rằng tôi cũng có thể kiếm tiền giỏi như phái mạnh! Mẹ cho cả gia đình thấy rằng sóng gió dù lớn đến đâu cũng có thể vượt qua được, và mẹ làm được điều đó. Mẹ cho tôi nhận ra rằng: có mẹ là có tất cả!”

   “Gia đình em có thể cho rằng là nó cân bằng. Người này giỏi môn này, người kia giỏi môn khác. Mọi người trao đổi, bù đắp vào những khuyết điểm cho người kia. Nhưng, em đã chọn mẹ để viết về là vì đối với con gái, mẹ là người gần gũi nhất đối với mình, người để mình tâm sự với. Người dẫn dắt mình trong những bước đầu của cuộc đời. Mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời em. Lúc mẹ còn nhỏ, mẹ hay chơi cùng một hội bạn thân. Mẹ hay chơi đồ hàng, nhảy dây, bơi, … Ngoài ra, mẹ còn thích tham gia vào câu lạc bộ hè và được làm chị phụ trách ở đó. Mẹ đã kể cho em lúc mà mẹ thèm kẹo, mẹ cùng một người bạn góp một ít đường lại và đun cho nó chảy ra rồi đổ vào một cái bát. Nhưng khi ‘‘ kẹo’’ nguội rồi thì nó đông cứng lại thế là mẹ không lấy được nó ra”- câu chuyện về mẹ của Thanh Yên

   Mỹ Hạnh: “Khi bà 13 tuổi, bà đang học lớp 7. Bà tôi luôn đứng trong nhóm đầu lớp học. Khi gia đình gặp khó khăn, bà đã cùng người thân làm thêm rất nhiều nghề phụ như: đan len, may quần áo,… giúp bố mẹ dạy các em học thêm, đi sơ tán trong cuộc chiến tranh chống Mỹ-Ngụy đầu những năm 60”.

   Từ rất sớm, bà ngoại của Long Hải đã có mặt để giúp cô và các bạn sửa soạn cho bữa tiệc. Qua cảm nhận của cô, bà là một phụ nữ khéo léo và chu đáo vô cùng. Điều đó quả không sai khi trong bài thuyết trình của Long Hải con đã ngợi ca bà với câu chuyện dẫn tới việc bà là người có ảnh hưởng lớn nhất trong gia đình: “Bà bị mồ côi cha từ khi bà 3 tuổi. Tuy mồ côi cha nhưng bà lại học rất giỏi thường xuyên được điểm 5 môn văn (điểm 10 bây giờ). Bà đã vượt nỗi khổ mồ côi và trở thành một doanh nhân thành đạt.”

   Nhiều cung bậc cảm xúc, lúc khóc lúc cười ra nước mắt bởi những lời thuyết trình ngây ngô mà chân thật, sâu sắc của các con- về một thời mà chỉ còn trong quá khứ. Anh Đức không ngần ngại kể câu chuyện về bố mình: “Ngày xưa, bố em rất thích đánh đàn guitar nhưng không có tiền để mua. Bố em buồn lắm nhưng cũng rất cố gắng để mua được một cây đàn. Bố em làm việc ngày đêm để kiếm tiền và công sức đó rất xứng đáng. Một câu chuyện nữa về bố là: Hồi bé, bố em bị bệnh hen nhưng không có thuốc thang như bây giờ nên rất là khổ sở. Cứ lúc lên cơn hen là bố lại chật vật chống lại cơn hen để có thể thở. Ông em thương bố em lắm nhưng lại không biết làm như thế nào. Hồi ấy, bố em rất ít được ăn thịt nên gần như không biết được vị của thịt như thế nào.Thỉnh thoảng lúc Tết đến thì ăn được vài miếng giò. Nên là ông em lúc đi công tác, được cho ăn thịt thì khóc nức vì nhớ đến bố em.Thế nên ông em mang về cho bố em vài cân thịt sống. Lúc đưa cho bố em thì bố em ngây thơ hỏi:”Cái gì đây ạ? Có ăn được không ạ?”Thế rồi ông em bảo:”Thịt đấy con ạ!”Nghe xong câu đấy bố em nhét luôn cục thịt vào miệng nhai ngấu nghiến sống mà không biết nó còn sống”.

   Với Sĩ An ông là một hình mẫu lý tưởng: “Ông là người sống tình cảm luôn mang lại tiếng cười, niềm vui cho gia đình và xã hội. Ông là người uy tín trong xã hội, gia đình, có tiếng nói thuyết phục. Ông còn là Chủ tịch hội người cao tuổi, phó bí thư Đảng uỷ của cơ quan.Ông rất chịu khó và chăm sóc con cháu.  Ông phải trải qua nạn đói năm 1945. Lúc đấy ông mới chỉ 9 tuổi. Ông còn tham gia chống Mĩ cứu nước vào thời kì 1986. Ông còn là chiến sĩ thi đua năm 1962 và ông còn được chụp cùng bác Hồ và bác Tôn tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3. Năm 1996, ông nghỉ hưu và ông tham gia công tác khu phố”.

   “Khi còn nhỏ bố tôi cũng nhưng những đứa trẻ khác rất nghịch ngợm và khó bảo nhưng rồi bố tôi thay đổi hoàn toàn. Bố tôi tập trung học hành và đỗ vào đại học ở Hà Nội rồi bố tôi gặp mẹ tôi. Sau đại học bố tôi cưới mẹ tôi và có việc làm ổn định một thời gian. Sau đó bố tôi mở một công ty riêng và công ty đó đang ngày càng phát triển”- Linh Chi kể chuyện về bố.

   “Mặc dù tôi là cháu của ông ngoại là một nhà văn tuy nhiên tôi học văn chưa tốt lắm nhưng ông là động lực để tôi học văn tốt hơn.Tôi rất tự hào về ông tôi. Nếu có thời gian, các bạn hãy tìm đọc những cuốn truyện viết về tuổi học trò đậm chất “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” “Ma xó đi học” của ông ngoại tôi.”- Minh Hoàng tự hào giới thiệu về ông ngoại của mình- một nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi của đất Cảng Hải Phòng.

   Qua lời kể của ông ngoại Trọng Bách người nghe ngậm ngùi về một thời đói khát: “Hồi con còn bé, ông kể cho con nghe nhiều câu chuyện cổ tích. Câu chuyện làm con ấn tượng nhất là: Binh pháp Tôn Tẫn, Bàng Quyên. Câu chuyện kể về tình bạn và tình thầy trò, đặc biệt vào lúc khó khăn nhất thì ta mới hiểu tấm lòng của từng người. Ông đã phải trọ xa nhà để học. Ông kể: “Ngày đó đói lắm, đói cả vật chất lẫn tinh thần. Bữa nào được miếng cháy của cô cấp dưỡng để dành cho là bữa ấy được ấm bụng. Có một quyển chuyện mà truyền tay nhau đọc đi đọc lại đến thuộc lòng.” Ông luôn dạy con: “Trong lao động sẽ có nhiều sáng tạo. Vì vậy, cách học tốt nhất là học từ thực tế, để thành công không có con đường nào khác ngoài rèn luyện.””

   “Thời điểm mà đất nước rơi vào tình cảnh chiến tranh hỗn loạn, chồng thì đi chiến đấu trên mặt trận, bà là hậu phương vững chắc và còn là người phấn đấu không ngừng nghỉ trên mọi lĩnh vực. Trong lao động, bà được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua trong 8 năm liên tiếp. Do cha mẹ mất sớm nên từ bé bà đã sống rất tự lập và vô cùng chăm chỉ. Bà đã truyền lại đức tính quý báu này cho mẹ và bác tôi.”- Quỳnh Ngân.

   Thanh Tùng kể về mẹ của mình: “Lúc mẹ mới 13 tuổi như em hiện nay, một ngày mẹ phải đi bộ 6km đến trường (tính cả đi cả về). Lúc đi học về hoặc những ngày được nghỉ mẹ thường phải đi giao rượu bằng chiếc xe đạp cũ kĩ mà ông sửa lại (lúc 13 tuổi). Hồi đó, rượu là một chất cấm không được vận chuyển nhưng mẹ vẫn phải bất chấp để kiếm được tiền về cho gia đình”.

Lúc mẹ 13 tuổi

Lúc em 13 tuổi

Đi làm kiếm ăn cho gia đình. Nhiều lúc chưa có ý thức tự học bài hay đọc truyện, dọn dẹp nhà cửa. Chưa nói đến việc kiếm ăn.
Chơi các trò chơi giân dan với các bạn bên cạnh nhà. Thường chơi ở bên ngoài ( nếu có thời gian rảnh). Em thường chơi ở trong nhà hơn, có lúc cũng chơi máy điện thoại hoặc máy tính.
Mẹ thường đi bộ rất ca tới trường. Em thường đi xe đạp điện hoặc được bố mẹ trở đi.
Các bữa ăn của mẹ rất đơn giản như khoai luộc, rất ít khi được ăn thịt hay các món ăn ngon như bây giờ. Các bữa ăn của em hầu như đều có thịt và rau. Nhiều lúc mẹ còn nấu đồ ăn nước ngoài.

Có lẽ bấy nhiêu điều cô chia sẻ chưa đủ bởi những gì các con làm được ấn tượng quá! Chuyến hành trình này không chỉ các con học mà cô cũng được học và bố mẹ các con cũng vậy. Thật ý nghĩa! Bữa tiệc trình bày những món ăn truyền thống từ căn bếp của mỗi gia đình tối hôm nay là dịp để mỗi bố mẹ được hiểu về các con nhiều hơn và thêm tin yêu vào những đứa con của mình. Món nào cũng ngon bởi có đôi bàn tay chăm chút của các bà các mẹ, làm cho không khí thật ấm cúng! Cô chỉ biết nói lời cảm ơn tới các con bởi chính các con đã mang đến cho cô nhiều bài học từ những câu chuyện cuộc đời của mỗi con người. Cô nhớ tới một câu nói đại ý rằng, người biết tôn trọng quá khứ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Suốt hai tuần qua, cô trò mình đã cùng trở về quá khứ và giờ đây chúng ta hãy cùng nhìn về tương lai và phấn đấu các con nhé!

Hanh trinh nguoc thoi gian 01 Hanh trinh nguoc thoi gian 02 Hanh trinh nguoc thoi gian 03 Hanh trinh nguoc thoi gian 04 Hanh trinh nguoc thoi gian 05 Hanh trinh nguoc thoi gian 06 Hanh trinh nguoc thoi gian 07 Hanh trinh nguoc thoi gian 08 Hanh trinh nguoc thoi gian 09 Hanh trinh nguoc thoi gian 10 Hanh trinh nguoc thoi gian 11 Hanh trinh nguoc thoi gian 12 Hanh trinh nguoc thoi gian 14 Hanh trinh nguoc thoi gian 29 Hanh trinh nguoc thoi gian 32 Hanh trinh nguoc thoi gian 35 Hanh trinh nguoc thoi gian 38 Hanh trinh nguoc thoi gian 39

Hành trình ngược thời gian

Lê Thị Hương – Giáo viên Trung học

Xem thêm thông tin: tại đây